MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thánh địa ẩm thực đường phố" trong vòng xoáy Covid-19

31-10-2021 - 17:48 PM | Tài chính quốc tế

"Thánh địa ẩm thực đường phố" trong vòng xoáy Covid-19

Mỗi sáng, ông Adulwitch Tangsupmanee đẩy xe bán món thịt ba chỉ quay giòn đến khu Chinatown (Phố Tàu) ở thủ đô Bangkok - Thái Lan và bài trí hệt như người cha đã qua đời vì Covid-19 của mình thường làm trong gần 50 năm.

Người đàn ông 42 tuổi này cẩn thận đặt khung ảnh cha mình, cụ Chanchai, phía trên quầy hàng cùng sao Michelin (chứng nhận về ẩm thực danh giá) từ năm 2018-2021.

Cụ Chanchai là biểu tượng của ẩm thực đường phố Thái Lan và nổi tiếng với món mì "Guay Jub" hàng chục năm trước khi ông gục ngã vì Covid-19 hồi tháng 7 vừa qua ở tuổi 73.

"Khi cha còn sống, tôi phụ trách phần nước lèo và giờ tôi vẫn làm thế. Tôi có cảm giác cha vẫn quanh đây" - ông Adulwitch tâm sự.

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 1.

Bà Jirintat Tangsupmanee, 45 tuổi, đứng cạnh tấm ảnh người cha quá cố Chanchai Tangsupmanee 6-10 Ảnh: REUTERS

Cụ Chanchai là một trong ít nhất 7 đầu bếp đường phố tiếng tăm của Bangkok qua đời vì Covid-19 trong những tháng gần đây, theo ghi nhận của Reuters, khiến "thánh địa ẩm thực đường phố" Bangkok chịu đòn giáng mạnh.

"Ảnh hưởng tức thời là khách hàng có ít lựa chọn hơn… Đường phố là nơi chúng ta có thể bắt gặp bất cứ ai, bất kể địa vị xã hội thế nào, đứng xếp hàng chờ mua một tô mì hay một dĩa cơm cà ri" - ông Chawadee Nualkhair, tác giả 2 quyển sách hướng dẫn thức ăn đường phố Thái Lan, nhận xét.

Khi thủ đô Thái Lan dự kiến mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào ngày 1-11, ông Adulwitch hy vọng được thấy lại dòng người xếp hàng chờ món mì của cha ông ngày trước, nhờ đó bù đắp phần nào thiệt hại nặng nề mà gia đình ông nói riêng và cộng đồng bán thức ăn đường phố Bangkok nói chung phải gánh chịu.

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 2.

Ông Adulwitch Tangsupmanee và bà Jirintat tiếp tục buôn bán với quầy hàng của cha mình là cụ Chanchai Tangsupmanee hôm 6-10 Ảnh: REUTERS

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 3.

Ông Adulwitch dọn dẹp nơi buôn bán. Ảnh: Reuters

Trong khi gia đình cụ Chanchai không hề chần chừ thì con cháu bà Ladda Saetang ban đầu định từ bỏ quầy vịt tiềm của bà - chỉ cách quầy của cụ Chanchai 650 m.

Thường được gọi là bà Si với nụ cười hiền lành, bà Ladda qua đời hồi tháng 5 năm nay. Cuối cùng, người con gái tên Sarisa quyết định học lại toàn bộ bí quyết tiềm vịt để tưởng nhớ mẹ.

"Tôi không muốn công thức đó thất truyền. Cả cuộc đời mẹ tôi nằm trong đó. Tôi sẽ vui lắm nếu khách hàng bảo mùi vị của vịt y hệt mẹ tôi làm. Một số người bảo tôi đừng bỏ cuộc, bởi họ không thể tìm nơi nào khác bán thức ăn như thế này" - bà Sarisa, 39 tuổi, bộc bạch.

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 4.

Bà Sarisa Saetang quyết định duy trì quầy vịt tiềm của mẹ mình là bà Ladda Saetang Ảnh: REUTERS

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 5.

Phụ giúp bà Sarisa là em gái bà Ladda Saetang. Ảnh: REUTERS

Thánh địa ẩm thực đường phố trong vòng xoáy Covid-19  - Ảnh 6.

Bà Janya Saetang, 55 tuổi, là em gái của bà Ladda Saetang. Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến với Covid-19 và những hệ lụy của nó sẽ còn kéo dài và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 28-10 cho biết họ cần 23,4 tỉ USD trong vòng 12 tháng tới để chế ngự đại dịch.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus  thẳng thừng nói với G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) rằng họ không thể để mặc các nước nghèo hơn ngụp lặn giữa đại dịch. Các nhà lãnh đạo G20 nhóm họp tại Rome - Ý vào cuối tuần này.

Với 23,4 tỉ USD, WHO cho biết có thể ngăn ngừa thêm 5 triệu người nữa tử vong vì đại dịch và số tiền trên "không là gì nếu so với hàng ngàn tỉ USD thiệt hại kinh tế cũng như kinh phí dùng để hỗ trợ hồi phục kinh tế".

Theo Hải Ngọc

Người Lao Động

Trở lên trên