Thanh Hóa sáp nhập xã rất êm, Bộ Tài chính tiết kiệm 3.000 tỷ đồng từ giảm đầu mối
Bộ Tài chính cắt giảm được 2.901 đầu mối thuế, hải quan, kho bạc, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng. Thanh Hóa sáp nhập thôn, xã tiết kiệm khoảng 800 tỷ đồng.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhờ quyết liệt sắp xếp lại tổ chức, ngành Tài chính đã cắt giảm được 2.901 đầu mối các đơn vị từ TƯ đến địa phương.
Thanh Hóa sáp nhập xã rất êm
Năm 2019 riêng hệ thống thuế giảm được 1.968 đầu mối (227 chi cục thuế), Hải quan giảm 12 đầu mối, Kho bạc Nhà nước giảm 191 đầu mối.
“Thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành tài chính nên luỹ kế 2 năm 2019 - 2020, ngành tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng thông tin, Thanh Hoá là 1 trong 2 địa phương đầu tiên có nghị quyết của QH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, tỉnh đã sắp xếp 143 đơn vị, còn 67 xã phường thị trấn, giảm 76 đơn vị.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến
“Hiện các xã sáp nhập đã hoạt động theo đơn vị hành chính mới và tình hình rất êm”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói.
Ông cho biết, tỉnh đã và đang tiến hành 3 cuộc sắp xếp. Cụ thể, năm ngoái, tỉnh sắp xếp thôn, năm nay sáp nhập cấp xã và sắp tới là cấp huyện.
“Riêng sáp nhập thôn, xã, Thanh Hoá giảm trên 30.000 cán bộ. Khi thực hiện các nghị quyết TƯ, riêng 3 đợt sắp xếp này tiết kiệm khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm”, ông Chiến cho biết.
TP.HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị
Ở đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; giữ vững ổn định chính trị.
TP.HCM cũng hứa chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm để dân hiểu rõ và đồng thuận, chung sức, chung lòng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị tại TP theo Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Đây cũng là nội dung được đề cập trong Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 cũng như Nghị quyết số 18 năm 2017 của TƯ về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Phong cho biết, nhằm bảo đảm cho TP cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, TP chủ động đề xuất thực hiện đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP cùng các địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Chính vì vậy, TP.HCM kiến nghị Chính phủ quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để góp phần tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP cũng như các địa phương trong cả nước.
Một kiến nghị quan trọng khác, theo Chủ tịch TP.HCM, trong định hướng phát triển kinh tế quốc gia, việc xây dựng trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế là vô cùng cần thiết và là xu thế phát triển tất yếu.
Trong điều kiện thực tế, TP.HCM là trung tâm tài chính lớn nhất của cả nước, “đầu tàu” kinh tế sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước.
Do đó, TP. HCM kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP.HCM vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2030 của quốc gia.
Cũng theo ông Phong, ngày 18/10 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp và thông qua Nghị quyết cho phép TP. HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án khó thu hồi đất.
Ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết để TP sớm triển khai có hiệu quả công tác trên.
Vietnamnet