Thanh khoản ''tăng nhiệt'' sau Tết, 7 ngân hàng ''vay nóng'' NHNN hơn 7.900 tỷ đồng phiên 9/2
Khác với hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước phải liên tục bơm tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong những ngày khai xuân.
- 09-02-2022Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng yếu kém
- 08-02-2022Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ngay sau Tết, cơ quan chuyên trách lo lạm phát
- 22-01-2022NHNN bơm hơn 1.060 tỷ vào thị trường trong tuần qua
Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã đi qua nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn neo cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bơm ròng tiền hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Cụ thể, liên tiếp trong 3 phiên giao dịch kể từ đầu tuần, nhà điều hành đã bơm vào thị trường gần 13.925 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở (OMO). Các đợt đấu thầu mua giấy tờ có giá của NHNN đều có kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm. Riêng phiên 9/2, có 7 thành viên thị trường tham gia ''vay nóng'' với tổng khối lượng gần 7.938 tỷ đồng.
Diễn biến trên là khác biệt so với hai năm trước. Năm 2021, hệ thống ngân hàng khai xuân mà không cần nhà điều hành bơm tiền hỗ trợ. Năm 2020 thậm chí NHNN còn lập tức hút bớt về 4.999,7 tỷ đồng phiên khai xuân và liên tiếp sau đó…
Tình trạng căng thanh khoản còn thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng trong những ngày gần đây vẫn tiếp tục neo ở mức trên 2%/năm, thậm chí còn cao hơn giai đoạn trước Tết. Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã vọt lên mức 2,59% trong ngày 8/2, cao hơn cả lãi suất kỳ hạn 2 tuần (2,53%).
Trước đó, trong tuần giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên Đán, NHNN đã bơm 8.800 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh OMO. Với kỳ hạn 14 ngày, số tiền trên sẽ bị rút ra khỏi thị trường trong tuần này khi các hợp đồng đáo hạn.
Bên cạnh yếu tố mùa vụ, NHNN liên tục thực hiện bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 25/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021 – mức tăng tháng 1 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.
Mặt khác, việc huy động tiền gửi của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do lãi suất đang ở vùng thấp kỷ lục và áp lực cạnh tranh từ các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản...
Báo cáo tài chính quý 4/2021 cho thấy tiền gửi khách hàng tại nhiều ngân hàng đã bị rút ròng trong năm 2021 như Sacombank, SeABank, ABBank, NCB, PGBank, Saigonbank.