MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản thị trường giảm mạnh phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ

Thanh khoản thị trường giảm mạnh phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ

Dòng tiền vào chứng khoán gặp trở ngại một phần nào đến từ lo ngại lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới. Tuy nhiên, yếu tố trên có thể chỉ tác động trong ngắn hạn bởi chứng khoán Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định từ yếu tố nội tại để thu hút dòng tiền.

Thị trường chứng khoán đã khép lại một phiên đầy biến động khi VN-Index mở cửa tăng gần 10 điểm nhưng đóng cửa sát tham chiếu. Dù vậy, giao dịch lại khá ảm đạm với giá trị khớp lệnh chỉ đạt 10.000 tỷ đồng, giảm 37% so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ phiên 27/7. Đáng chú ý, hôm nay là ngày đầu tiên HoSE áp dụng giao dịch lô lẻ.

Điều này khá bất ngờ khi thanh khoản thị trường đang có đà hồi phục từ tháng 8 cùng với việc áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+2. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 8 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với tháng trước. Theo các chuyên gia, thanh khoản có thể tăng khoảng 20-30% tùy thuộc vào mức độ hưng phấn của nhà đầu tư tuy nhiên thực tế lại không được như kỳ vọng.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ - Ảnh 1.

Thanh khoản giảm mạnh phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ

Dòng tiền vào chứng khoán gặp trở ngại một phần nào đến từ lo ngại lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới. Lạm phát leo thang khiến Fed và các Ngân hàng Trung ương thế giới để ngỏ khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong trường hợp Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm % tại kỳ họp tháng 9, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ phản ứng và chứng khoán Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Tuy nhiên, yếu tố trên có thể chỉ tác động trong ngắn hạn bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định từ yếu tố nội tại để thu hút dòng tiền, đặc biệt từ khối ngoại. Tính từ đầu quý 2, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lên đến gần 10.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó đảo chiều xu hướng bán ròng hồi đầu năm. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị mua ròng đạt hơn 2.500 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều con số bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng trong năm ngoái.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ - Ảnh 2.

Khối ngoại đang có dấu hiệu trở lại

Về dài hạn, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan về dài hạn nhờ tình hình vĩ mô ổn định và định giá hợp lý dựa trên khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư tham gia vào chứng khoán vẫn còn khá khiêm tốn và dư địa phát triển còn nhiều trong khi chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sinh lời đủ hấp dẫn.

Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody’s cũng đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “ổn định”. Theo đó, việc nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện. Những kết quả này cho thấy độ hiệu quả của chính sách đã được cải thiện.

Moody’s dự báo việc này sẽ được duy trì khi nền kinh tế hưởng lợi từ thay đổi chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, như RCEP, CPTPP và các hiệp định song phương với Hàn Quốc, EU, Anh sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng hàng công nghệ với giá trị gia tăng cao.

Đồng quan điểm, Pyn Elite Fund cũng cho thấy niềm tin lớn vào thị trường Việt Nam. Quỹ ngoại này ước tính GDP quý 3 sẽ tăng trưởng 13%, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 6% trong quý 3 năm trước. Đáng chú ý, dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát, con số trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên