Thanh long Bình Thuận "mở khóa" vào Nhật Bản
Ngay sau khi được phía Nhật Bản cấp chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thanh long Bình Thuận, tỉnh đang nhanh chóng mở rộng thị trường đầy tiềm năng này
- 24-09-2021Thanh long Việt Nam “phủ sắc đỏ” tại Australia
- 21-09-2021Thanh long 'tắc' sang Trung Quốc: Sẽ thông ngày 22/9
- 19-09-2021Không có cơ sở khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long?
Ngày 7-10, trưởng Bộ phận đại diện Khoa học và Công nghệ (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản) thông báo phía Nhật Bản đã chính thức cấp bằng chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Theo trưởng Bộ phận đại diện Khoa học và Công nghệ tại Nhật Bản, hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản chỉ cấp cho những sản phẩm đạt chất lượng cao và uy tín cùng với các tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp sản xuất đặc biệt, được canh tác nhiều năm trong khu vực địa lý được chứng nhận. Như vậy, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ, thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam (trước đó là vải thiều Lục Ngạn) và là sản phẩm nước ngoài thứ 3 được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, một thị trường cực kỳ khó tính đối với nông sản nhập khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có khoảng 33.750 ha thanh long, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Trong số này có hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh đó, đến nay Bình Thuận có 10 cơ sở đóng gói thanh long và 30 hợp tác xã thanh long liên kết xây dựng chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Diện tích thanh long Bình Thuận đang được mở rộng qua từng năm
Việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, từ đó sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng xuất khẩu đến các thị trường khác. "Bên cạnh những giải pháp nâng cao chất lượng trái thanh long, để đi sâu vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Bình Thuận xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gặp gỡ các nhà nhập khẩu tiềm năng, từ đó điều chỉnh chiến lược để phát triển cho phù hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ 2 nhà máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng đối với thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là Công ty Fine Fruit Asia (KCN Hàm Kiệm 1, huyện Hàm Thuận Nam) và Công ty TNHH Hồng Ân (huyện Bắc Bình) để các nhà máy hoạt động thông suốt và hiệu quả cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật" - ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho hay.
Còn theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cách đây 10 năm, tỉnh Bình Thuận cũng như một số vùng trồng thanh long khác trên cả nước là Long An, Tiền Giang đã có những container thanh long đầu tiên vào thị trường Nhật. Tuy nhiên, số lượng xuất đi không nhiều, chủ yếu đi theo tiểu ngạch. Hiện tại, khi đã được cấp chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thanh long, hiệp hội sẽ cùng các thành viên khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng từ thị trường này. "Chúng tôi đang phối hợp cùng các DN thành viên chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản. Việc được cấp chỉ dẫn địa lý vùng trồng thanh long Bình Thuận sẽ giúp DN có lợi thế về giá bán. Còn phương án mở rộng sản xuất thì phụ thuộc vào các công ty xuất khẩu" - ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết.
Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho hay sẽ cùng các bên liên quan cung cấp thông tin thị trường, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, xu hướng tiêu dùng của người Nhật đối với hàng nông sản, thực phẩm để DN kịp thời nắm thông tin, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ theo đúng quy trình trồng và sản xuất, bảo quản thanh long, bảo đảm chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long. "Trái thanh long vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có trọng lượng từ 300 g trở lên; sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường của Nhật Bản và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường khó tính này. Toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình này đều được các chuyên gia phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát chặt chẽ" - ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Người lao động