Thanh long phụ thuộc thương lái nước ngoài
Vài năm qua, tình trạng thương lái nước ngoài đến Bình Thuận thu mua trái thanh long đã khá phổ biến. Từ đây, giá loại trái cây xuất khẩu chủ lực này của địa phương trồi sụt bất thường, khiến người trồng khó khăn
- 24-09-2020Gỗ, thủy sản… bứt tốc vào EU
- 23-09-2020Xuất khẩu tôm sang EU tăng gần 16% trong tháng 8/2020
- 27-06-2020Đầu ra trái thanh long bấp bênh do chưa mở rộng thị trường xuất khẩu
Là một trong những người Trung Quốc đầu tiên có mặt ở tỉnh Bình Thuận để tham gia xuất khẩu trái thanh long dưới hình thức núp bóng các cơ sở, doanh nghiệp địa phương, A.Đ được biết đến như người cầm trịch giá thu mua cũng như tổ chức vận chuyển xuất khẩu tiểu ngạch loại nông sản này cho nhiều cơ sở ở huyện Hàm Thuận Nam.
Vựa thanh long bị thâu tóm
Hơn 10 năm, Đ. xuất hiện với tư cách "con nuôi" của một chủ cơ sở thu mua thanh long ở xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) thu mua trái thanh long phải có mối quan hệ làm ăn với Đ. để thuận lợi trong giao dịch. Anh Thành, chủ một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu ở huyện Hàm Thuận Nam, cho biết trước đây anh vẫn đóng hàng xuất khẩu theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu. Tuy nhiên, vài năm qua, hoạt động xuất khẩu rất khó khăn và phải liên hệ với thương lái Trung Quốc đang ở địa phương thì mới xuất hàng nhanh được.
Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 - 2018, tỉnh Bình Thuận có khoảng 100 thương lái người Trung Quốc, trong đó có nhiều người Đài Loan, tham gia mua bán thanh long tại hơn 140 cơ sở, DN. Con số này đến nay có giảm nhưng theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, vẫn còn khoảng hơn 60 người. Những người này trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của các cơ sở, DN thu mua. Không chỉ tham gia điều hành, nhiều thương lái nước ngoài còn chèn ép, thâu tóm các cơ sở, DN địa phương, dưới danh nghĩa thuê nhà xưởng, các chủ cơ sở địa phương đứng tên pháp nhân.
Nhiều cơ sở thu mua thanh long ở Bình Thuận
Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho rằng tình trạng thương lái nước ngoài núp bóng DN địa phương để thu mua, chế biến và xuất khẩu trực tiếp qua Trung Quốc đã tác động lớn về giá cả thanh long. Cũng như hàng hóa khác, giá cả thanh long phải lên xuống theo cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc thương lái nước ngoài trực tiếp thu mua nông sản sẽ khiến nông dân dễ rơi vào cảnh bị ép giá. "Các thương lái người nước ngoài liên kết với nhau tạo sức ép về giá thu mua thanh long" - ông Võ Huy Hoàng nhận định.
Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc càng rõ rệt khi nhiều cơ sở, DN thu mua thanh long của địa phương trở thành sân sau của thương lái nước ngoài. Khi đó, giá cả loại trái cây này thay vì theo thị trường thì lại chịu tác động từ một nhóm thương lái liên kết với nhau.
Gõ cửa thị trường châu Âu
Trước ảnh hưởng của việc người nước ngoài đến Bình Thuận thu mua thanh long, UBND tỉnh Bình Thuận từng có văn bản chỉ đạo công tác quản lý đối với người nước ngoài núp bóng kinh doanh thanh long. Theo đó, các ngành, địa phương hướng dẫn các cơ sở sử dụng lao động người nước ngoài, quan hệ đối tác với thương lái người nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, hợp đồng kinh tế, lao động, cư trú. Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động thương mại trong kinh doanh trái thanh long, tập trung phát hiện những phương thức, thủ đoạn kinh doanh trái phép, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng giá, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế địa phương.
Để tránh thiệt hại cho người trồng thanh long khi quá phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, giữa năm nay tỉnh Bình Thuận đã xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long khi có tình huống bất lợi xảy ra. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ ở thị trường nội địa, các ngành chức năng của Bình Thuận đã làm việc với các tập đoàn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm thanh long. Bên cạnh đó, một số giải pháp xuất khẩu thanh long chính ngạch vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ và xúc tiến mở thêm thị trường mới như Úc, New Zealand, các quốc gia khu vực Trung Đông…
Tất nhiên, không thể bỏ qua cơ hội đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tuy vậy, rào cản về kỹ thuật nghiêm ngặt là một lo ngại khi hướng đến thị trường này. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch thanh long của tỉnh trong năm 2019 là 6,5 triệu USD, mục tiêu năm 2020 là 7,8 triệu USD. Dù có rất nhiều cơ sở, DN thu mua thanh long đang hoạt động nhưng Bình Thuận hiện chỉ có 14 DN đủ năng lực xuất khẩu vào các hệ thống phân phối trên thế giới. Trong đó, chỉ 3 DN đã xuất khẩu sang châu Âu là Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, Công ty TNHH MTV Rau quả Bình Thuận và Liên hiệp HTX Dịch vụ Sản xuất thanh long Bình Thuận.
"Nếu thanh long xuất khẩu sang châu Âu còn dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng, họ sẽ hủy hàng. Vì vậy, nhiều DN chưa dám lấn sang thị trường này, trừ khi trực tiếp trồng. Để vượt rào cản, xuất được sang thị trường khó tính EU thì phải liên kết sản xuất thanh long an toàn theo mô hình VietGAP một cách thực chất" - ông Võ Huy Hoàng nhìn nhận.
Diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận lớn nhất cả nước, với hơn 30.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 550.000 tấn. Thanh long ở đây tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, trong đó nội địa chiếm khoảng 20%, còn lại xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỉ lệ rất thấp (2% - 3% sản lượng), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu.
Người lao động