MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh niên Bắc Kạn trồng rau, trồng nấm...thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

15-03-2021 - 07:19 AM | Thị trường

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số cũng từng bước khẳng định sức trẻ bằng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Dù rất nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn về thành phố kiếm việc làm hoặc tìm về các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Ninh để làm công nhân thì Nguyễn Việt Thế, dân tộc Tày ở Tiểu khu 3, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, lại quyết định gắn bó với mảnh ruộng cùng quyết tâm phải làm giàu ngay trên đồng đất quê mình. Năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, Nguyễn Việt Thế vận động thêm một số thanh niên địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng rau sạch.

Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn, trước mắt là từ phong tục tập quán của đồng bào địa phương là tự cấp, tự túc, nhóm bạn trẻ quyết tâm thay đổi cách làm như đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đưa các giống rau mới vào trồng và liên kết với các trường học trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Chỉ sau vài vụ, sản phẩm rau xanh của Tổ hợp tác Trồng rau sạch đã được biết đến rộng rãi và hiện mỗi năm, 7 thành viên trong Tổ hợp tác thu về gần 500 triệu đồng.

“Thời gian tới thì tổ hợp tác sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả rau màu, đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra sao an toàn tuyệt đối, được cấp chứng chỉ cần thiết. Tới chúng tôi cũng dự định xây dựng các nhà lưới và trồng thêm rau trái vụ, đảm bảo cung ứng nhu cầu của thị trường” - anh Nguyễn Việt Thế cho biết.

Cũng khởi nghiệp từ nông lâm đặc sản của địa phương, năm 2018, chị Lường Thị Giang ở xã Lục Bình, huyện Bạch Thông cũng đã có một quyết định táo bạo khi thành lập HTX trồng nấm. Bắt đầu với 3.000 bịch nấm Hoàng Đế trồng thí điểm, sau hơn một năm, HTX của chị Giang đã mở rộng quy mô sản xuất gấp 10 lần.

Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư thêm máy sơ chế, đóng gói và mở rộng nhà xưởng, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn từ trồng, thu hái đến đóng gói sản phẩm. Nhờ cách làm chuyên nghiệp, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

“Theo tôi để thanh niên dân tộc, vùng cao khởi nghiệp thành công thì cần xác định đúng sản phẩm, ngành nghề sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, ngành nghề phù hợp sở trường và phải xác định rõ thế mạnh và khả năng của bản thân mình” - chị Lường Thị Giang chia sẻ.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội của thanh niên dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Kạn. Nếu như trước đây, phần lớn thanh niên, nhất là ở các thôn bản xa thường lựa chọn đi làm công nhân hoặc kiếm việc làm thuê thì nay, rất nhiều bạn trẻ đã quan tâm có những cách làm sáng tạo phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có trên 300 mô hình kinh tế, 31 HTX và 35 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, đa số đều có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Có một điều dễ nhận thấy là các mô hình do thanh niên làm chủ thường mang lại hiệu quả rõ rệt do được áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Một số mô hình tiêu biểu như HTX Hương Rừng tại huyện Na Rì, HTX Thanh niên Như Cố tại huyện Chợ Mới, HTX Thanh niên Nhung Lũy tại huyện Ba Bể, HTX Hương Ngàn tại huyện Bạch Thông... đều hoạt động hiệu quả, biết tận dụng các thế mạnh nông lâm địa phương kết hợp với áp dụng khoa học, công nghệ.

Chị Ma Thị Mận, Phó Bí thư tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết, vượt qua những lúng túng bước đầu, hiện các sản phẩm đã được đầu tư khá kỹ về thương hiệu, mẫu mã và từng bước tiếp cận thị trường lớn trong nước.

“Trong thời gian qua các cấp bộ đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ trên tinh thần đáp ứng tốt nhất nhu cầu mà các bạn thanh niên. Thứ nhất là các giải pháp trong cung cấp thông tin, kiến thức khởi nghiệp, như định hướng phát triển của địa phương, chính sách hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng khởi nghiệp. Thứ hai là nhóm giải pháp về vốn như thực hiện tốt vốn 120 của Trung ương Đoàn, vốn vay khởi nghiệp, kết nối dự án. Tiếp theo là những nhóm giải pháp hỗ trợ môi trường khởi nghiệp hay những giải pháp về tiếp cận thị trường cho các bạn trẻ…” - chị Ma Thị Mận cho biết.

Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những thanh niên khởi nghiệp ở Bắc Kạn đã vượt qua rất nhiều khó khăn và cả không ít lần thất bại để vươn lên khẳng định sức trẻ. Từ những mô hình khởi nghiệp của người trẻ đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Công Luận

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên