MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh niên trẻ bỏ công việc văn phòng lương 13 triệu/tháng, thâm niên 5 năm, để ra chợ bán trái cây nhưng thu nhập gấp mấy lần: Chỉ cần dám làm, luôn luôn có cơ hội!

06-11-2019 - 17:36 PM | Sống

Chỉ cần dám ra ngoài bươn chải vài năm, số kinh nghiệm tích lũy và thành tựu đạt được đã nhiều gấp chục lần môi trường văn phòng ổn định nhưng buồn chán.

"Phi thương bất phú", không kinh doanh thì khó mà làm giàu, đây là câu nói mà rất nhiều người đều. Tuy nhiên, họ lại ít ngờ rằng, chỉ một sạp bán hàng ngoài chợ thôi cũng có thể đem tới thu nhập rất lớn nếu biết cách tận dụng khả năng chào mời khách hàng, cho dù đó là buôn bán đồ ăn, hoa quả, thịt cá, hay rau củ... Thậm chí, mức thu nhập cuối cùng còn cao hơn lương nhân viên văn phòng rất nhiều.

Có một nam thanh niên trẻ đã chán ngán với công việc công sở, ngày làm 8 tiếng, nhiệm vụ luôn ngập đầu nhưng vô cùng nhàm chán, không có bất cứ động lực nào để nuôi dưỡng lý tưởng của bản thân. Vì thế, anh ta quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, từ bỏ 5 năm thâm niên đã cống hiến cho công ty và một mức thu nhập lên tới 13 triệu mỗi tháng, chưa kể các khoản thưởng thêm bên ngoài. Trên đường về, anh chàng đi qua một khu chợ và không khỏi bất ngờ với tình hình buôn bán đắt đỏ tại đây.

Tình cờ, ngay tại đó có một gian hàng bán trái cây ven đường đang muốn tuyển thêm nhân viên phụ thêm. Vì ông chủ sạp hàng đưa ra mức lương quá thấp, chỉ khoảng 3 triệu mỗi tháng cộng thêm thưởng doanh thu, nên rất ít người chịu ứng tuyển. Trong khi khách hàng luôn ra vào tấp nập, ông chủ sạp đã lớn tuổi nên không thể hoạt động nhanh chóng được. Nam thanh niên trẻ đang rảnh rỗi không có việc gì nên tốt bụng tiến lại gần và đề nghị giúp đỡ ông một tay.

Thanh niên trẻ bỏ công việc văn phòng lương 13 triệu/tháng, đã làm suốt 5 năm, để ra chợ bán trái cây nhưng thu nhập gấp mấy lần: Chỉ cần dám làm, luôn có cơ hội - Ảnh 1.

Sau buổi tối hôm đó, khi kiểm tra lại doanh số bán hàng, ông chủ vô cùng vui mừng khi thấy số tiền kiếm được gần như tăng lên gấp đôi. Ông nhận ra chàng trai này rất có tài trong việc buôn bán và thuyết phục khách hàng, vậy là ông đề nghị: "Chàng trai trẻ, cậu có muốn làm ở đây luôn không? Gian hàng này không lớn, chẳng thể trả cho cậu mức lương cứng cả chục triệu hàng tháng đâu, mỗi ngày trăm ngàn thôi. Nhưng doanh thu cậu kiếm được bao nhiêu mỗi ngày, tôi có thể cho cậu một phần hoa hồng trong số đó."

Anh chàng suy nghĩ một hồi rồi hỏi lại: "Tính lương theo tháng hay theo ngày cũng không quan trọng, quan trọng là trung bình một tháng cửa hàng mình bán được bao nhiêu?"

Ông chủ trả lời: "Hoa quả thì có mùa, mùa nhiều mùa ít, sản lượng và chất lượng đều không đồng đều nên có khi doanh thu nhiều, có tháng lại kiếm ít hơn."

Anh chàng nói: "Vậy thì không nên tính lương cố định mỗi ngày một trăm. Nếu ngày nào không có khách hàng, ông không cần trả tôi tận trăm ngàn và một phần doanh thu."

Ông chủ khẽ cười: "Chàng trai này, thông minh lắm. Vậy ngược lại cũng có nghĩa là hôm nào nhiều khách, tôi phải trả thêm tiền công và tăng thêm lợi nhuận cho cậu chứ gì?"

Sau đó, cả hai cùng đạt thành thỏa thuận, với những ngày doanh thu lớn hơn 1 triệu đồng, nam thanh niên sẽ được hưởng 10% lợi nhuận, còn nếu doanh thu ngày hôm nào có thể tăng trưởng hơn 10 triệu đồng, nam thanh niên có thể nhận hơn 15%.

Và thế là chàng trai chấp nhận đi làm với mức lương cứng chỉ có 3 triệu một tháng, chỉ bằng 1/5 so với thu nhập văn phòng trước đó. Nhưng tại đây, anh được tiếp xúc với vô số người, mỗi ngày đều là một thử thách mới trong những điều kiện mới. Nếu hôm nay là mồng 1 hoặc ngày rằm đầu tháng, anh sẽ bày những loại hoa quả hay được mua để thắp hương ra ngoài cùng để khách hàng dễ thấy. Với mỗi ngày lễ Tết khác nhau, anh lại tìm hiểu nhu cầu thị trường để có cách bày biện khác nhau. Trong những ngày thường thì nghĩ ra nhiều cách tặng kèm, giảm giá, các chương trình khuyến mại... để thu hút tâm lý người tiêu dùng.

Thanh niên trẻ bỏ công việc văn phòng lương 13 triệu/tháng, đã làm suốt 5 năm, để ra chợ bán trái cây nhưng thu nhập gấp mấy lần: Chỉ cần dám làm, luôn có cơ hội - Ảnh 2.

Một vài năm sau, khi ông chủ sạp hàng quyết định nghỉ hưu, số tiền lợi nhuận mà nam thanh niên làm thuê tích cóp suốt thời gian qua đã đủ để mua lại nơi này. Thậm chí, nhờ vào cách bán hàng thông minh, gian hàng bán trái cây nhỏ ngày nào càng làm càng lớn, dần dần phát triển mạnh mẽ thành cả một cơ sở lớn, mỗi tháng thu nhập vài chục triệu đồng. Rồi chàng trai công sở hôm nào giờ cũng thành ông chủ lớn, mở thêm nhiều cửa hàng tại các khu chợ đông đúc khác. Chỉ bỏ ra vài năm, nhưng những thành tựu mà anh đạt được nhiều gấp cả trăm lần cho với thời gian làm văn phòng ngày xưa, dù làm miệt mài cả đời cũng không có được gia tài triệu phú như bây giờ.

Có thể thấy rằng, đại đa số các nhân viên văn phòng đều ở vào tình trạng giống như nam thanh niên này trước đây. Họ cảm thấy chán ngán với vòng lặp công việc như hiện tại, cảm thấy bức bách vì 8 tiếng đồng hồ đi làm cố định hàng ngày, cảm thấy nản lòng vì mức lương không cao không thấp có thể giúp họ sinh sống vừa đủ, nhưng rất khó để thăng tiến trong tương lai. Nhưng lại không có được mấy người dám thoát khỏi tình trạng ấy như anh ta. Họ vừa chê trách công ty, vừa cố gắng bám trụ đến từng giây phút. Đây chính là sự nguy hiểm mà hai chữ "ổn định" mang lại.

Trong thực tế, có vô số triệu phú, thậm chí là tỷ phú đi lên từ việc bán hàng nhỏ lẻ. Đơn cử một ví dụ trong số đó chính là ông Hirotake Yano, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Daiso Sangyo Corp. Ban đầu, khi mới bắt đầu vào làm giàu, ông từng điều hành công việc kinh doanh bán cá của gia đình nhưng lâm vào phá sản, sau đó, ông tiếp tục đi bán hàng rong trên xe tải vào những năm 1972. Do quá mất thời gian vào việc gắn mác giá cho từng sản phẩm, ông mới nảy ra ý tưởng bán hàng đồng giá 100 Yên Nhật cho tất cả các món đồ. Ý tưởng độc đáo đánh vào tâm lý được lời của người tiêu dùng khiến ông nhanh chóng gia tăng doanh thu của mình.

Chỉ 5 năm sau, công việc kinh doanh đã phát triển tới mức ông có thể thành lập công ty riêng của mình, lấy tên là "Daiso". Trong điều kiện kinh tế trì trệ, việc bán hàng đồng giá cho mọi vật dụng vừa bao gồm các nhu yếu phẩm, vừa có các mặt hàng chất lượng cao, lại có cả những sản phẩm mới lạ, đã tạo cảm giác đồng 100 Yên Nhật trở nên giá trị hơn đối với khách hàng. Không bất ngờ khi ông Hirotake Yano đã nhanh gọn nắm bắt cơ hội ấy và công ty Daiso tăng trưởng bằng tốc độ chóng mặt với tổng cộng hơn 3.150 cửa hiệu tại Nhật, 1.800 cửa hiệu ở nước ngoài và doanh thu năm 2017 đã lên tới 420 tỷ Yên Nhật.

Có thể thấy rằng, khi chúng ta đánh mất sự nhiệt huyết và lòng dũng cảm, không còn dám đương đầu với cuộc đời khó khăn đầy thách thức bên ngoài mà chỉ muốn an nhàn cầm những đồng lương ổn định, tự trói bản thân làm việc trong những môi trường ổn định, không có vất vả, không có thời điểm "khi lên voi khi xuống chó", bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội ở thế giới bên ngoài. 

Đó không chỉ là cơ hội để gia tăng thu nhập, thay đổi môi trường, mà còn là cơ hội để chúng ta thử thách chính bản thân mình. Dù đó công việc văn phòng, hành chính, kinh doanh hay bán buôn, đừng chỉ nhìn chăm chăm vào tiền lương, thu nhập được mời chào vì đó chỉ là giá trị ngắn hạn. Thay vào đó, hãy tập trung nhìn vào tiềm năng để phát triển đi lên của vị trí đó trong tương lai dài hạn, tập trung tìm kiếm tới những cơ hội thực sự xứng đáng để chúng ta theo đuổi vững bền, thay đổi giá trị cốt lõi của bản thân.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên