Thành phố Khu Đông của TPHCM trong tương lai có gì?
"Thành phố phía Đông" sẽ được hình thành trên cơ sở sát nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức để trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc TPHCM với các lợi thế có sẵn như Khu công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), và Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức). Thành phố phía Đông sẽ là “khu đô thị sáng tạo” – động lực phát triển mới cho TPHCM.
Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Theo đó, ngoài việc giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường như trước đây, Sở Nội vụ cho biết trong phương án lần này có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM (tạm gọi là thành phố phía Đông).
Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...).
Ngoài ra, với việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông cùng 19 đơn vị hành chính khác TP.HCM mong muốn hỗ trợ các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế bởi khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
3 quận: 2, 9 và Thủ Đức sẽ được sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM.
Đánh giá về hạ tầng xã hội cho việc hình thành khu đô thị sáng tạo tại 3 quận 9, 2, Thủ Đức, các chuyên gia khẳng định: "Quận 9 hiện có khu Công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư. Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước. 2 quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu Đô thị thông minh tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo".
Cụ thể, khu Đông có mật độ đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (với 7 đại học thành viên), Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hoá, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright,… Nơi đây hiện có hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên, sẽ là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế.
Khu công nghệ cao thứ 2 của TP HCM có tổng diện tích khoảng 195 ha đặt ở quận 9, có sứ mệnh hướng dẫn phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ lực của TP và khu vực.
Bên cạnh đó, khu Đông cũng là nơi có mật độ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước với Khu công nghệ cao (quận 9) thành công nhất có mức đầu tư hơn 7 tỉ USD và trong năm 2019, giá trị sản xuất đạt 17 tỉ USD, năm 2020 dự kiến sẽ vượt mốc 20 tỉ USD.
Cùng với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông tại khu vực phía Đông cũng đang phát triển đột phá tạo nên sự kết nối cho toàn khu. Cụ thể, (Bến Thành - Suối Tiên) chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội.Tuyến metro số 1 dài toàn bộ 19,7km (gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) có tổng vốn đầu tư khoảng 44.000 tỉ đồng đã đạt 72% khối lượng tổng thể và quyết tâm đạt 85% tiến độ toàn dự án trong năm 2020, đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2021.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 - bắc qua sông Sài Gòn - nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TPHCM, được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TPHCM, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông. Cây cầu này đang được xây dựng và dự kiến sẽ sớm thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.
Bến xe Miền Đông mới (quận 9) là quần thể phức hợp có tổng diện tích 16ha được khởi công từ tháng 4.2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe lớn nhất nước này có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng đã hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Dự án cầu Thủ Thiêm đang triển khai khẩn trương.
Với những công trình hạ tầng giao thông đang được cấp tập triển khai, việc kết liên vùng và quốc tế của Thành phố phía Đông (trong tương lai) sẽ thực hiện qua đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối sân bay Long Thành.
Ngoài ra, Đại lộ Phạm Văn Đồng với 12 làn xe, tuyến đường được xem là đẹp nhất TPHCM với vốn đầu tư 340 triệu USD kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai rồi kết nối sân bay Long Thành.
Một góc khu Đông TPHCM.
Đặc biệt, dù đang được quy hoạch lên thành phố nhưng khu Đông đã có trung tâm mới với đại dự án khu đô thị Thành phố thông minh Công viên Vinhomes Grand Park với tổng diện tích 271ha. Được phát triển theo mô hình đại đô thị đẳng cấp quốc tế, "Thành phố công viên" với vườn cây ánh sáng 2,4ha, công viên khổng lồ 36 ha và đầy đủ hệ sinh thái kênh rạch bao bọc . Là đại đô thị đầu tiên của TPHCM, khi hoàn thành Vinhomes Grand Park sẽ trở thành trung tâm của mạng lưới Đô thị Sáng Tạo theo quy hoạch phát triển của Thành phố.
Có thể nói, khu vực phía Đông TPHCM đã có đầy đủ cả điều kiện hạ tầng lẫn điều kiện xã hội để phát triển lên thành phố. Mới đây, trong cuộc họp họp trực tuyến với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập 3 quận phía Đông của thành phố. "Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp", Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP HCM.