Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam sẽ có cây cầu hơn 6.000 tỷ đồng bắc qua bến cảng 150 năm tuổi
Sau khi hoàn thành, cầu Nguyễn Trãi sẽ có chiều dài gần 1.500 m, riêng nhịp giữa rộng 300m, rộng nhất so với các cây cầu trên địa bàn Hải Phòng.
- 21-12-2024Thành phố tên dài nhất Việt Nam dự kiến lên đô thị loại 1
- 20-12-2024Thị xã Việt Nam quy hoạch đẹp như New York sẽ lên thành phố
- 19-12-2024Đầu tư 565 tỷ đồng cho 1,2km ở thành phố Buôn Ma Thuột
UBND thành phố Hải Phòng mới đây đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.
Đây là Dự án trọng điểm của thành phố trong năm 2024, thuộc nhóm A, công trình giao thông cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư hơn 6.235 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hải Phòng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 4.200 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.000 tỷ đồng.
Diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu và đường dẫn hơn 21 ha, ngoài ra còn thu hồi thêm vùng phụ cận với diện tích hơn 43 ha để chỉnh trang đô thị.
Để xây dựng cầu Nguyễn Trãi, TP Hải Phòng đã quyết định di dời bến cảng Hoàng Diệu, bến cảng có tuổi đời 150 năm. Đây là bến cảng đầu tiên của cảng Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm, xây dựng năm 1874 và là công trình đầu tiên có quy mô lớn, nằm trong nội đô thành phố hiện nay.
Cảng Hoàng Diệu cũng là cảng duy nhất hiện nay trên cả nước có đường sắt kết nối trực tiếp, đồng bộ với đường sắt quốc gia (Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai), chủ yếu tiếp nhận các loại hàng phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc.
Cầu Nguyễn Trãi sau khi hoàn thành sẽ gồm 04 làn xe cơ giới, 2 lề đường, vận tốc 80km/giờ, được thiết kế là cầu dây văng, phần cầu có chiều dài gần 1.500 m nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên, nơi đặt trung tâm hành chính mới của thành phố. Riêng nhịp giữa của cầu rộng 300m, rộng nhất so với các cây cầu trên địa bàn TP Hải Phòng, 02 trụ tháp cầu cao 111m tạo thành 02 cánh buồm vươn khơi, thể hiện sự khát vọng của thành phố Hải Phòng là “vươn ra biển lớn”.
Phần nút giao kết nối với đường Lê Thánh Tông có kiến trúc hiện đại, mở rộng đường Nguyễn Trãi từ 18,0m lên 50,5m, kết nối với tuyến đường Lê Hồng Phong và sân bay quốc tế Cát Bi.
Sau khi hoàn thành, Cầu Nguyễn Trãi sẽ là cây cầu thứ 6 của thành phố bắc qua sông Cấm, sau cầu Bính, cầu Kiền, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bạch Đằng và cầu Máy Chai.
Cầu Nguyễn Trãi khi đưa vào sử dụng sẽ giúp xây dựng trục kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp VSIP, Tam Hưng-Ngũ Lão, Thủy Nguyên...
Đường Nguyễn Trãi cũng sẽ được mở rộng từ 18 m hiện tại lên 41,5 m. Trong đó, mặt cắt của đường dẫn cầu Nguyễn Trãi rộng 23,5 m; lòng đường gom hai bên cầu đoạn có tường chắn và dưới gầm cầu rộng 7,5 m, vỉa hè hai bên đường một m và bố trí dải cây leo trang trí dọc tường chắn hai bên 0,5 m.
Tại buổi lễ khởi công cầu Nguyễn Trãi hôm 18/12, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị các nhà thầu thi công tập trung nhân lực và vật lực để xây dựng công trình có kỹ thuật và có mỹ thuật, đặc biệt là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về lao động; giảm thời gian thi công so với hợp đồng đã ký kết. Phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2027.
Hải Phòng là một trong 5 đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia và là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Theo Cục Thống kê TP. Hải Phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng.
Đời sống & pháp luật