Thành phố sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc chính thức "chốt" chủ trương xây dựng cây cầu vượt biển dài thứ 2 Đông Nam Á
Ngày 29/8, Văn phòng UBND TP Hải Phòng ban hành Thông báo số 422/TB-VP kết luận của ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 song song với cầu Tân Vũ – Lạch Huyện.
Theo đó, sau khi nghe Sở Giao thông Vận tải TP. Hải Phòng, đơn vị tư vấn báo cáo cũng như ý kiến của các sở, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 có chiều dài 5.443m, bề rộng 16m. Dự án được tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch (bề rộng nền đường 68m); giữ nguyên dải phân cách hiện trạng, mở rộng nền đường về hai phía với chiều rộng nền đường là 51m; đồng thời, đầu tư xây dựng 3 nút giao khác mức.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện đề xuất dự án cũng như nghiên cứu thêm phương án chỉ đầu tư cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, giữ nguyên đường dẫn hai bên cầu theo hiện trạng; sau đó tiến hành đánh giá, so sánh, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Được biết, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện nối khu vực đất liền thuộc quận Hải An với đảo Cát Hải thuộc huyện Cát Hải (Hải Phòng) được khánh thành và đưa vào sử dụng dịp Quốc khánh 2/9/2017. Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và khánh thành 2 bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cùng với việc phát triển du lịch tại đảo Cát Bà, phát triển công nghiệp tại đảo Cát Hải, xuất hiện tình trạng quá tải qua cây cầu vượt biển dài nhất nước ta này.
Trước đó, ngày 2/7/2018, tại cuộc họp trực tuyến của người đứng đầu Chính phủ với các địa phương, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã đề nghị Chính phủ cho phép Thành phố xây thêm 1 cây cầu vượt biển nối đất liền với huyện đảo Cát Hải (cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2).
Nhịp sống thị trường