Thành phố sở hữu khu Thủ Thiêm phấn đấu trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế TP. HCM
Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 318/2022 về ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035".
- 09-02-2022Việt Nam trên đà thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới
- 09-02-2022Thu ngân sách tháng 1 của 2 thành phố lớn chiếm hơn 50% tổng thu ngân sách cả nước
- 08-02-2022Người lao động hưởng lợi ích gì từ các chính sách khôi phục thị trường lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết?
Theo quyết định này, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông, tức thành phố Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, tương tác cao. Trong thời gian tới, thành phố Thủ Đức sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế TP. Hồ Chí Minh và vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Thủ Đức sẽ thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc. Trong đó, số lượng kỹ sư và chuyên gia đạt khoảng 20.000 người và số lượng phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.
Ngoài ra, thành phố đang hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến giao thông công cộng BRT; nghiên cứu và thực hiện 5 giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông công cộng. Bên cạnh đó, thành phố dự kiến diện tích sàn công trình xung quanh nhà ga giao thông công cộng trong bán kính 500m tăng 200% sau 5 năm.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ dành khoảng 50ha đất để phát triển quỹ đất công nghiệp sáng tạo, xây dựng thêm các văn phòng và cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố hình thành thêm 100ha quỹ đất để phát triển, tập trung vào các trụ cột kinh tế sáng tạo như khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đại học Quốc gia thành phố.
Cụ thể, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số. Khu Đại học Quốc Gia thành phố sẽ phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp. Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển khu công nghệ cao phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Sau khi chính thức trở thành thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh, tính hết năm 2021, Thủ Đức đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Thủ Đức vẫn được giữ vững, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Thành phố đã hoàn thành đạt và vượt 26/36 chỉ tiêu Nghị quyết Thành ủy Thủ Đức đề ra. Trong đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.350 tỷ đồng, đạt 124% so với chỉ tiêu đề ra. Tiến độ thực hiện giải ngân các công trình trong năm đạt 96,43%. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt, có 4.092 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 62.255 tỷ đồng.
Xét trong dài hạn, chỉ tiêu đến năm 2035, tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Thủ Đức đóng góp 1/3 GRDP cho TP. Hồ Chí Minh và 7% GDP cả nước.