MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành phố Thủ Đức sẽ có bao nhiêu dân?

19-09-2020 - 17:41 PM | Xã hội

Đề án thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức với tổng cộng 34 phường, giảm 2 phường so với hiện nay.

Tinh gọn bộ máy

Sáng 19/9, UBND TPHCM tổ chức hội nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương góp ý các Đề án mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Tham dự hội nghị còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Ngành liên quan.

Trình bày dự thảo Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM được tổ chức như sau: Chính quyền TPHCM gồm có HĐND và UBND. Chính quyền tại các quận là UBND quận. Chính quyền tại các phường là UBND phường.

Thành phố Thủ Đức sẽ có bao nhiêu dân? - Ảnh 1.

H ội nghị lấy ý kiến cho 2 đề án quan trọng này có sự tham gia của nhiều Bộ Ngành, cơ quan trung ương và TPHCM

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TPHCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề án cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TPHCM; nhiệm vụ, quyền hạn của TPHCM; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của UBND quận, UBND phường…

Về Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết: TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức hiện nay với tổng cộng 36 phường. Sau khi sắp xếp, TP Thủ Đức sẽ có 34 phường, quy mô dân số khoảng trên 1 triệu người.

“Việc thành lập TP. Thủ Đức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện chế độ tiền lương mới”, ông Huỳnh Thanh Nhân khẳng định và cho biết thêm sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp, thành phố này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường,góp phần phục vụ người dân tốt hơn.

Đóng góp nhiều hơn cho cả nước

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị TPHCM đã ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên thành phố chưa thể triển khai thực hiện.

Trên cơ sở các quy định hiện hành, Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời để thúc đẩy sự phát triển của TPHCM trong giai đoạn mới, TPHCM đã triển khai xây dựng 2 Đề án, đó là: Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại TPHCM và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, trong đó bao gồm Đề án thành lập TP. Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức sẽ có bao nhiêu dân? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

Về đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trong giai đoạn 2009 - 2016, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước.

Thực tiễn cho thấy, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, việc thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân vẫn được đảm bảo, trong đó điểm nhấn là đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

Về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019 – 2021, trong đó bao gồm Đề án thành lập TP. Thủ Đức, theo ông Nguyễn Thành Phong, việc sắp xếp là nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng, góp phần phát huy nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế - xã hội tại từng cấp.

“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành Trung ương, TPHCM đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập TP. Thủ Đức vào Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay.

Về vai trò của TP. Thủ Đức, người đứng đầu chính quyền TPHCM nói sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hoá.

“Đây còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cho biết, sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng thu nhập quốc dân) của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước.

Thành phố Thủ Đức sẽ có bao nhiêu dân? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Nhất trí với các vấn đề Chủ tịch UBND TPHCM đặt ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc lấy ý kiến cho 2 đề án là rất quan trọng để đảm bảo thống nhất các nội dung liên quan và hoàn chỉnh các thiếu sót với mục tiêu chung là giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước của TPHCM. Từ những ý kiến trao đổi của các Bộ Ngành, các cơ quan Trung ương, các đơn vị của TPHCM, Bộ Nội vụ sẽ cùng UBND TPHCM tổng hợp, hoàn thiện các đề án trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên