MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành Thành Công sẽ triển khai 20 dự án điện mặt trời

30-06-2017 - 14:54 PM | Doanh nghiệp

Ngày 30/6, Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã diễn ra với sự tham dự của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Quỹ năng lượng sạch Armstrong (AAM), các ngân hàng, quỹ đầu tư cùng với các nhà cung cấp thiết bị.

Đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho biết những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự rót vốn 200 tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Đầu tư vào điện gió khá ổn định trong khi đầu tư điện mặt trời gia tăng đáng kể. Đến nay ngành năng lượng mặt trời chỉ mới tập trung ở một số thị trường trọng điểm như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và được kỳ vọng vào tương lai sẽ phát huy hết tiềm năng.

Tại Việt Nam, nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu dựa vào thủy điện. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng lên gấp đôi, chính phủ Việt Nam đã cam kết tăng công suất điện lên 14% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2030.

“Ngành năng lượng tại Việt Nam có nhiều tiềm năng đầu tư vì nhu cầu trong tương lai rất cao, đây cũng là ngành thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Do đó, IFC sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính và các hỗ trợ khác về kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng đầu tư vào ngành năng lượng đặc biệt là năng lượng sạch", đại diện IFC nhận định.

Tham dự hội nghị, ông Yasushi Ujioka – đại diện AAM là thành viên HĐQT GEC cho biết tổng công suất năng lượng tái tạo tại ASEAN hiện khoảng 4GW, chiếm 0,5% tổng số thế giới. Tổng công suất năng lượng tái tạo ASEAN vẫn còn dưới 10% về công suất phát điện. ASEAN đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng tỷ lệ này lên 23% vào năm 2025 và các nước thành viên khác cũng đạt mục tiêu 11-30% vào năm 2030.

Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành trao đổi với đối tác tại hội nghị

Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết với đơn vị chủ lực là Công ty CP điện Gia Lai (GEC), ngành năng lượng TTC đang đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch và thực hiện thí điểm mô hình điện gió, điện mặt trời tại một số địa phương tiềm năng bên cạnh việc đầu tư cho thủy điện.

“Để thực hiện mục tiêu là trở thành đơn vị dẫn đầu ngành năng lượng xanh vào năm 2020, ngành năng lượng TTC đang tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện cùng các định chế tài chính trong nước và quốc tế, phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm đảm bảo định hướng phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia”, ông Đăng Văn Thành chia sẻ.

Cụ thể, đến năm 2020, TTC dự định đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió – chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của tập đoàn, còn lại là 222 MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150 MW chiếm 11%. Điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới còn điện gió vừa đầu tư dự án mới vừa góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%.

Theo ông Thái Văn Chuyện – Tổng giám đốc Tập đoàn TTC, TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW), Huế (30 MW), Gia Lai (49 MW) … suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.

Các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017, công tác kỹ thuật do đối tác chiến lược AAM có nhiều kinh nghiệm đã và đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực châu Á phụ trách, triển khai dự án theo hình thức đấu thầu EPC. Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Theo Duy Khánh

Người đồng hành

Trở lên trên