Thanh toán không dùng tiền mặt (Kỳ 1): Luôn ở thế bị động
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những mục tiêu lớn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng từ hơn 12 năm qua và kỳ vọng đạt được nhiều thay đổi. Nhưng trên thực tế cho đến nay đa phần người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại NH còn rất lớn, và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán.
- 24-02-2019Phối hợp thu qua ngân hàng thương mại: Đi đúng xu hướng không dùng tiền mặt
- 23-01-2019Viện trưởng CIEM: Thanh toán không dùng tiền mặt để tránh “tham nhũng vặt”
- 16-01-2019Không để mua hàng online, trả tiền mặt
Quy định luôn đi sau và lỗi thời
Phát triển TTKDTM tại Việt Nam là định hướng đưa ra từ năm 2006, khi Chính phủ đã ban hành Quyết định 291/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án TTKDTM giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020”, đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 phát hành 15 triệu thẻ, 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tự chọn… lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, đến năm 2020 con số này đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Đến năm 2010 tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán đạt không quá 18%, đến năm 2020 còn khoảng 15%.
Song nhìn chung, đề án này chỉ tập trung triển khai TTKDTM thông qua việc thúc đẩy phát triển dịch vụ thẻ NH. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì thời điểm đó thẻ NH chủ yếu chỉ dùng để giao dịch rút tiền trên máy ATM, còn việc cà thanh toán trên máy POS là điều mới mẻ và thậm chí còn xa lạ đối với người dân.
Trong khi đó, giữa giai đoạn thực hiện đề án, tức từ năm 2008, thị trường lại xuất hiện hàng loạt công ty công nghệ tài chính (fintech) tham gia TTKDTM dưới hình thức dịch vụ trung gian thanh toán (DVTGTT), cụ thể là mở ví điện tử (VĐT), tạo ra một hướng mới cho lộ trình phát triển chung nhưng chỉ tự phát và chưa được công nhận.
Đến năm 2012, tại Nghị định về TTKDTM, Chính phủ mới quy định về điều kiện cung ứng DVTGTT nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng. Sau thời điểm đó, ngày càng nhiều VĐT ra đời, song vẫn phải trải qua đến 7 năm hoạt động thí điểm, đến cuối năm 2015, NHNN mới bắt đầu cấp giấy phép hoạt động chính thức đối với các fintech hoạt động trong lĩnh vực DVTGTT.
Sau VĐT, các hình thức thanh toán khác đã nối tiếp ra mắt, các NH và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS… theo xu hướng giao dịch thanh toán điện tử.
Sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thanh toán mới một lần nữa khiến những quy định trước đây để thúc đẩy TTKDTM trở nên lỗi thời, không đáp ứng được xu hướng mới.
Đến cuối năm 2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 2545, phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mới có những quy định rộng và đầy đủ về hơn về vấn đề này.
Trong đó, ngoài các mục tiêu như phát triển mạnh thanh toán thẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, còn có mục tiêu tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại. Quyết định này cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về TTKDTM, thanh toán bằng tiền mặt, DVTGTT…
Dịch vụ phát triển như vũ bão
Hiện có 26 tổ chức không phải là NH được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng DVTGTT, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm… Trong số đó, VĐT thuộc công ty fintech như MoMo, Payoo, Vimo, Moca… có tốc độ phát triển khá nhanh.
Đơn cử như VĐT MoMo thuộc CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) hiện đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng, mở 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng qua các dịch vụ tại quầy ở khu vực nông thôn. Payoo đã liên kết với hơn 10.000 điểm trên toàn quốc thanh toán hơn 350 loại hóa đơn tiện ích khác nhau, và ước tính giá trị giao dịch năm 2018 vào khoảng 3 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm trước đó. Moca có khoảng 5 triệu người dùng.
Bên cạnh đó, các công ty viễn thông tham gia như Tập đoàn VNTP có VNPT Pay là đơn vị fintech triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng DVTGTT. Viettel xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử ViettelPay…
Việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Do đó, rất cần có cơ chế khuyến khích thích hợp đối với vấn đề này.
Ông Phạm Tiến Dũng,
Vụ trưởng Thanh toán, NHNN
Ngoài nhóm trên, các NH cũng tham gia như LienVietPostBank với ứng dụng Ví Việt, Sacombank có Sacombank Pay, hay các công ty công nghệ như Samsung triển khai Samsung Pay cho khách hàng sử dụng điện thoại của hãng này hỗ trợ cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Cùng sự phát triển đó, các NHTM cũng phát triển thanh toán di động thông qua ứng dụng mobile banking.
Yếu tố lớn nhất hỗ trợ xu hướng cạnh tranh phát triển thanh toán di động chính là sự phổ cập của điện thoại thông minh ngày càng lớn. Tiếp theo là những thay đổi trong thanh toán của người dân. Lượng người chấp nhận thanh toán di động thay cho thanh toán truyền thống có xu hướng tăng lên, song song đó, thương mại điện tử dự báo sẽ phát triển mạnh.
Trong khi hệ thống ngân hàng cạnh tranh thúc đẩy thanh toán qua thẻ, thì những công ty Fintech số hóa để thanh toán bằng điện thoại di động.
Cần giải pháp hình thành thói quen
Tuy nhiên, những điều kể trên mới chỉ nói về sự nỗ lực giành thị phần của các thành viên tham gia vào thị trường. Còn nhìn trên thực tế, sự phổ biến của TTKDTM vẫn đang là kỳ vọng.
Theo số liệu do NH Thế giới công bố vào năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia đến 89%. Theo thống kê của Hội Thẻ NH Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản NH, nhưng 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.
Trong một hội thảo diễn ra gần đây, Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực xây dựng hệ sinh thái TTKDTM, trong đó nhận thức rất rõ về việc đồng bộ cơ sở hạ tầng, thể hiện qua việc thống nhất ban hành tiêu chuẩn mã QR thay vì để tồn tại nhiều tiêu chuẩn mã QR như trước.
Ở góc độ quản lý, NHNN hướng tới chia sẻ hạ tầng kỹ thuật thông qua xây dựng hạ tầng chuyển mạch và bù trừ thanh toán. Ngành NH sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), tiến tới đến mức độ phân tích hành vi khách hàng. Các công ty fintech chia sẻ dữ liệu NH và 2 bên chia sẻ kết nối. Ngược lại khi chờ NHNN đồng bộ cơ sở hạ tầng, các TCTD và fintech phân bổ hoạt động ở các phân khúc riêng, cũng cho thấy nỗ lực để hình thành thói quen TTKDTM ở khắp mọi vùng miền. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn rất nhiều.
Việt Nam đang bước lên một bậc cao mới về tăng trưởng, vì vậy đòi hỏi phải xây dựng một hệ sinh thái về dịch vụ tài chính vượt trội và toàn diện. Chúng tôi đang hiện thực hóa tầm nhìn đó bằng cách đẩy mạnh ứng dụng thanh toán kỹ thuật số và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người dùng Việt Nam được hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Mạnh Tường,
Phó Chủ tịch HĐQT của MoMo
Theo ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc ACB, muốn thúc đẩy TTKDTM cần phải gỡ 7 vấn đề gồm giảm chi phí, thời gian với thanh toán điện tử liên NH; quy định pháp luật với xác thực điện tử; ban hành chuẩn quốc gia về mã QR; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ POS; xây dựng lộ trình cụ thể cho từng đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc xóa bỏ thu tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM.
Có thể nói, việc đẩy lùi tiền mặt trong thanh toán là điều hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, muốn làm phải có sự đồng tâm hiệp lực hỗ trợ và hợp tác từ các bên. Hiện giao dịch nhỏ lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nên ngoài việc các NH hay công ty fintech tự tìm khách hàng, cơ quan quản lý cần khoanh vùng để áp dụng thử nghiệm, dần dần mở rộng ra các khu vực khác, từ đó sẽ giúp hình thành một thói quen mới cho người dân khi thanh toán mua hàng.
Công ty thống kê Statista ước tính tốc độ phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2017 – 2022 gần 15%/năm, quy mô thị trường từ gần 2,2 tỷ USD năm 2017 sẽ đạt hơn 4,3 tỷ USD năm 2022. Thêm vào đó, để phát triển hiệu quả và bền vững, những công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng thúc đẩy việc thanh toán điện tử, thay cho tiền mặt. Điều này đã khiến cuộc đua thanh toán di động ngày càng khốc liệt hơn.
Sài gòn đầu tư