MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh toán không tiền mặt: Cần lộ trình phù hợp

09-06-2021 - 11:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp muốn được khấu trừ thuế GTGT phải áp dụng thanh toán không tiền mặt với tất cả giao dịch mua, bán, liệu có làm được?

TS. Huỳnh Trung Minh
TS. Huỳnh Trung Minh
Chuyên gia Tài chính ngân hàng
8 bài viết
  • Hiện thông tin cá nhân của người dùng đang không được bảo mật đúng cách, như số điện thoại, ngày sinh, CCCD, thậm chí địa chỉ nhà, email… cũng thường xuyên để lộ trên mạng xã hội, qua nhiều kênh khác nhau. Do đó, khi kẻ gian kết hợp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản NH thì nguy cơ người dùng bị mất tiền lớn hơn.
  • Lượng kiều hối về Việt Nam sụt giảm gần đây chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, một lượng người Việt đi xuất khẩu lao động phải về nước hoặc thu nhập của người thân ở nước ngoài giảm...

Cục Thuế TP HCM vừa có kiến nghị Chính phủ sớm quy định việc các tổ chức áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán. Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN), chuyên gia cho rằng đề xuất này khó khả thi.

Để dễ quản lý thuế

Cụ thể, Cục Thuế TP kiến nghị Chính phủ quy định DN thanh toán không sử dụng tiền mặt với tất cả giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải thông qua ngân hàng (NH) như Luật Thuế GTGT quy định. Việc áp dụng quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.

Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP, việc quy định DN thanh toán không sử dụng tiền mặt là khả thi. Bởi các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ATM, ví điện tử, thanh toán qua trung gian thứ 3 ngày càng phổ biến và được nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng.

Như thế, khi DN không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, người mua hàng phải có tài khoản NH mới giao dịch được. Đồng thời, khi DN mua hàng hóa, dịch vụ và chi trả các khoản khác cho cá nhân, thì cá nhân đó phải có tài khoản NH mới nhận được tiền thanh toán. Từ đó, người dân sẽ có động lực mở tài khoản NH thanh toán cho DN và ngược lại. "Quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, để làm được việc này, Chính phủ cần điều chỉnh các quy định tại Luật Thuế GTGT để trình Quốc hội thông qua" - ông Minh gợi ý.

Phó tổng giám đốc một NH thương mại tại TP HCM đánh giá, với hệ thống công nghệ và hạ tầng thanh toán của các NH hiện nay thì việc chuyển dần sang thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch của DN là khả thi. Việc thanh toán không tiền mặt cũng tiết kiệm chi phí cho xã hội và cho chính DN, dòng tiền lưu thông nhanh hơn, từ đó đem lại giá trị kinh tế cho xã hội.

Thanh toán không tiền mặt: Cần lộ trình phù hợp - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ khi mua hàng tại siêu thị Ảnh: Hoàng Triều

Chưa khả thi nếu thực hiện ngay

Tuy vậy, kiến nghị của Cục Thuế TP lại không được các DN, chuyên gia kinh tế và cả người tiêu dùng ủng hộ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, cho rằng xu hướng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay khá phổ biến với nhiều hình thức thẻ, ví điện tử, chuyển khoản... Các DN cũng chủ yếu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn được DN và khách hàng sử dụng song song, DN vẫn phải nhận tiền mặt từ khách hàng chứ không thể từ chối được. Do đó, cần một lộ trình hướng đến sự đồng bộ, an toàn trong giao dịch trực tuyến.

Nhiều DN khác cũng đồng tình giao dịch giữa các DN với nhau thì có thể trả qua kênh điện tử nhưng với khách hàng thì không thể ép buộc họ thanh toán bằng ví hay thẻ được. Thực tế, phần lớn người dân vẫn thích dùng tiền mặt, thậm chí có người trước đây thường thanh toán qua thẻ và các kênh trực tuyến khác nhưng gần đây tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi; hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ tài khoản cá nhân thường xuyên xảy ra nên họ quay lại dùng tiền mặt. Do đó, cần cải thiện vấn đề này để khách hàng cá nhân, DN yên tâm giao dịch không tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết mỗi lần đi siêu thị mua sắm, chị thường cà thẻ hoặc dùng ví điện tử nhưng thỉnh thoảng vẫn dùng tiền mặt. "Nếu DN không nhận trả bằng tiền mặt, tôi sẽ chuyển sang dùng dịch vụ của đơn vị khác. Khách hàng chỉ sử dụng kênh thanh toán không tiền mặt nếu họ thực sự cảm thấy tiện lợi" - chị Vân nói.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh phân tích ở nhiều nước, các giao dịch của DN đều phải thanh toán qua kênh không tiền mặt mới được khấu trừ thuế GTGT. Hiện Luật Thuế GTGT quy định đối với các khoản thanh toán có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, để được khấu trừ thuế GTGT thì các tổ chức phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với đề xuất tất cả giao dịch của DN mua, bán không giới hạn tổng giá trị giao dịch sẽ khó khả thi vì đặc thù của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt.

Đơn cử, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp khi thu mua trái cây, thực phẩm, thủy hải sản của bà con nông dân hầu hết đều trả tiền mặt chứ không thể chuyển khoản được. Các giao dịch ở vùng nông thôn của nông dân với DN rất nhiều, không thể yêu cầu họ mở tài khoản chỉ để một năm bán 1-2 vụ lúa, vụ trái cây, thu hoạch nông sản…

"Cơ quan thuế có thể cân nhắc đề xuất mức giảm giá trị giao dịch theo lộ trình, giảm 5-10 triệu đồng để thị trường, DN và khách hàng thích nghi dần, nhất là những người kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình có quan hệ mua bán, giao dịch với DN" - TS Huỳnh Trung Minh đề xuất.

Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên