Thanh tra lại phát hiện hàng loạt sai phạm trong sử dụng đất công của Sagri
Sagri có công văn cam kết chưa huy động vốn dưới mọi hình thức trong khi đã uỷ quyền cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú phân lô bán nền từ năm 2012 là báo cáo không trung thực...
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, tài chính, thực hiện và chuyển nhượng dự án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Sagri).
Sử dụng đất sai mục đích
Theo đó, kết luận thanh tra nêu rõ: Về quản lý sử dụng nhà đất, Tổng công ty sử dụng các mặt bằng, nhà đất hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hoá nhưng thực chất là cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích là không đúng phương án xử lý tổng thể nhà đất của UBND Thành phố, không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuế đất của UBND Thành phố.
Đối với các dự án gồm dự án Khu nhà ở Phước Long B, Quận 9, Tổng công ty không thực hiện thuê công ty thẩm định giá, không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án được điều chỉnh quy hoạch.
Tổng công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận là không đảm bảo quyền lợi của Tổng công ty. Sagri cũng uỷ quyền cho công ty Phong Phú ký với khách đặt mua nhà và công ty Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liên kề trong khi dự án chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật là không đúng với Nghị định 71 của Chính phủ.
Tổng công ty đã uỷ quyền cho Tổng công ty Cổ phần Phong Phú tìm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà tại dự án, trên thực tế, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú đã phân lô bán nền từ năm 2012. Do đó, Sagri đã có công văn năm 2017 gửi UBND Thành phố cam kết chưa huy động vốn dưới mọi hình thức là báo cáo không trung thực, có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thực hiện hợp đồng giữa Sagri và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú.
Sagri còn chuyển nhượng 28% phần vốn góp cho Tổng công ty Cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá.
Tại Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, Tổng công ty còn cho Công ty Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Cổ phần Phong Phú để thực hiện dự án nhưng không xin ý kiến của UBND Thành phố.
Dự án này cũng đã được UBND Thành phố Chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện là lãng phí đất đai.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc Sagri và Công ty Bò sữa (thời điểm đó, công ty này trực thuộc Sagri) sử dụng mặt bằng khu đất để góp vốn liên doanh là vi phạm luật Đất đai 2013. Công ty Bò sữa bàn giao đất cho doanh nghiệp khác để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND Tp.HCM chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm về mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy Giết mổ Củ Chi triển khai từ năm 2010 nhưng Sagri chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác sử dụng là chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc khai thác, phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm sạch cho người dân thành phố.
Đối với việc chuyển nhượng đất tại huyện Phú Quốc, Kiên Giang, người đại diện vốn Tổng công ty thực hiện biểu quyết chuyển nhượng tổng diện tích 36.617 m2 tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc tại Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn trước khi có tờ trình báo cáo xin ý kiến Hội đồng thành viên là vi phạm Điều 49 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, Thanh tra Tp.HCM nêu rõ, năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện 24 gói thầu mua sắm với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng là chưa đúng trình tự, thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013. Hạch toán tăng, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định tại Thông tư 45 của Bộ Tài chính.
Tổng công ty ký 9 hợp đồng kinh tế với cùng một đơn vị để cung cấp thiết bị tưới nhỏ giọt của Trung tâm giống thuỷ sản và cây trồng với tổng giá trị 1,1 tỷ đồng báo giá trực tiếp là không đúng với Luật Đấu thầu 2013. Tổng công ty còn chi lương năm 2016, 2017 cho người lao động vượt với quỹ lương được duyệt là 4,55 tỷ đồng là không đúng quy định.
Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân thời kì có liên quan
Thanh tra Tp.HCM cho rằng, các thiếu sót, vi phạm nói trên thuộc trách nhiệm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc được phân công lĩnh vực, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, người đại diện vốn Sagri tại công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn. Ngoài ra, còn có các tổ chức, cá nhân tham mưu thuộc Sagri từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.
Về xử lý và kiến nghị biện pháp xử lý, UBND Tp.HCM yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc Sagri tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân thời kì có liên quan.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác kiểm tra, thẩm định, tham mưu đề xuất việc chấp thuận chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở Phước Long B. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thành lập tổ công tác để hướng dẫn Sagri thực hiện việc hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án. Bên cạnh đó, xem xét lại chủ trương xây dựng khu công nghiệp trong khu dân cư với dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Có.
Thanh tra Tp.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc khai thác sử dụng các mặt bằng nhà, đất của Sagri và các đơn vị thành viên để đề xuất UBND Thành phố xử lý theo qui định.
Trước đó, tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Vân Trọng Dũng - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri và nguyên kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy do liên quan đến vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Sagri.
Cụ thể, ông Dũng đã chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B cho Tổng công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2), thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).
Vneconomy