Thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
- 09-06-2023Đại biểu Quốc hội nói gì về câu chuyện tiết giảm điện và giá điện?
- 09-06-2023Thủy điện gặp khó do nhiều đoạn trên Sông Đà cạn trơ đáy
- 09-06-2023Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Đã cảnh báo thiếu điện từ trước dịch COVID-19
Ngày 9-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với đoàn thanh tra ngày 9-6. Ảnh: Minh Dũng
Quyết định thành lập Đoàn thanh tra đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành ngày 8-6. Theo đó, sẽ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-6-2023.
Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than. Quyết định thành lập Đoàn thanh tra được ban hành ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 517.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ trong những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Trong vai trò quản lý nhà nước, từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc cung ứng điện của năm 2023 như biểu đồ cung cấp than, dầu, khí cho sản xuất điện và kế hoạch cung ứng điện.
Theo Bộ trưởng, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng yêu cầu Đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.
Cụ thể, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu công tác thanh tra cần khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ và bắt đầu thanh tra từ ngày mai 10-6. Bộ trưởng đã giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn Thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan.
Người lao động