MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành viên HĐQT Bamboo Airways tiết lộ về văn bản "tin đồn": Do cách diễn đạt gây hiểu lầm

15-07-2023 - 17:48 PM | Doanh nghiệp

Thành viên HĐQT Bamboo Airways tiết lộ về văn bản "tin đồn": Do cách diễn đạt gây hiểu lầm

"Văn bản này do cá nhân phó chủ tịch thời điểm đó mong muốn báo cáo (khó khăn), chứ không phải nghị quyết của hội đồng quản trị. Hiện vị này cũng đã thôi làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Bamboo Airways." - Ông Phan Đình Tuệ cho biết

Trong ngày hôm qua, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản có nội dung về việc CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) "dự kiến thực hiện nộp hồ sơ xin phá sản".

Ngay sau đó, hãng hàng không này đã có phản hồi chính thức.

Theo thông cáo báo chí gửi đi, Bamboo Airways cho biết "Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối."

Trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.

Mặc dù vậy, trả lời báo Tuổi Trẻ Online, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT của Bamboo Airways cũng thừa nhận rằng phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật trước đây của Bamboo Airways có ký một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo thực trạng khó khăn của Bamboo Airways và đề xuất Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ.

"Trên thực tế không chỉ Bamboo Airways mà thời gian qua những doanh nghiệp lớn gặp khó khăn cũng có những văn bản báo cáo xin Chính phủ xem xét, hỗ trợ.

Văn bản này do cá nhân phó chủ tịch thời điểm đó mong muốn báo cáo (khó khăn), chứ không phải nghị quyết của hội đồng quản trị. Hiện vị này cũng đã thôi làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Bamboo Airways.

Mục đích của văn bản chỉ báo cáo Thủ tướng để xin giải pháp, nhưng cách diễn đạt đã gây hiểu lầm. Cộng với thông tin úp mở về việc một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản gần đây khiến tin đồn lan rộng", ông Tuệ nói thêm.

Theo ông Tuệ, Bamboo Airways khó khăn thật, nhưng công ty vẫn đang cố gắng tái cấu trúc, làm việc với đối tác để kêu gọi nhà đầu tư. Bamboo Airways cũng đang đàm phán với các chủ tàu xin gia hạn các khoản thanh toán đến hạn và họ cũng đồng ý do công ty hiện đang hoạt động tốt.

Trong thời gian gần đây, Bamboo Airways cũng đã gặp nhiều biến động về các vị trí lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, mới đây ông Nguyễn Minh Hải, Tổng giám đốc Bamboo Airways vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí của mình. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT sẽ kiệm nhiệm chức vụ của ông Hải trong thời gian tới. Đáng chú ý, ông Hải mới đảm nhận chức vụ CEO hãng bay này hồi cuối tháng 5 năm nay.

HĐQT của Bamboo Airways cũng được "thay mới" dù mới được bầu ra hồi tháng 6 vừa qua.  Cụ thể, HĐQT Bamboo Airways đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên HĐQT, bao gồm Chủ tịch - ông Oshima Hideki, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT - ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT – ông Doãn Hữu Đoàn, và Phó Chủ tịch HĐQT – ông Phan Đình Tuệ.

Về phương án thay thế, ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.

Năm 2022, Bamboo Airways lỗ 17.600 tỷ đồng, chủ yếu đến từ trích lập dự phòng các khoản phải thu và dự phòng đầu tư tài chính. Khoản lỗ này kéo vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm rơi xuống -836 tỷ đồng.

Mới đây, công ty đã tiến hành hoán đổi nợ của ông Lê Thái Sâm thành vốn góp, qua đó tăng vốn lên 26.220 tỷ đồng. Bamboo Airways cũng cho biết, Tân Chủ tịch Bamboo Airways - ông Lê Thái Sâm hiện sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của Hãng.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên