Tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế, Khánh Hòa dẫn đầu tăng trưởng GRDP khu vực miền Trung
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đạt 10,16%, cả 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, Khánh Hòa duy trì được đà tăng trưởng 2 con số, giữ vững ở nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước.
Tỉnh Khánh Hòa đã tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, tạo tiền đề bền vững cho thời gian tới.
Ngày 20/12/2024, Dự án Đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong khởi công xây dựng. Tuyến đường dài hơn 20km, tổng mức đầu tư hơn 2.030 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến năm 2027. Tuyến đường này nằm trong hệ thống giao thông, đê kè biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang. Công trình hoàn thành sẽ mở rộng tuyến giao thông kết nối giữa các trung tâm kinh tế của tỉnh, góp phần hình thành mạng lưới giao thông ven biển của khu vực Nam Trung bộ.
Đáng chú ý, đây là dự án được áp dụng Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể là tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng này được tách thành 2 dự án thành phần do UBND thị xã Ninh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh thực hiện. Ông Lê Hồng Phương, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, đây là cơ chế mới Quốc hội dành riêng cho tỉnh Khánh Hòa giúp đẩy nhanh dự án đầu tư:“Đối với việc tái định cư, nếu Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư, chúng tôi phải thực hiện thêm quy trình Ban phải ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện để bồi thường, giải phóng, mặt bằng, rất mất thời gian. Trong khi tách ra dự án thành phần, UBND huyện sẽ là chủ đầu tư, địa phương chủ động sẽ rất nhanh, xác định vị trí bố trí tái định cư phù hợp hơn. Như vậy sẽ rất nhanh, rút ngắn được ½ thời gian”.- Ông Lê Hồng Phương nói.
Trước đó, cuối tháng 10/2024, HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng có Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô 25 héc ta sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư Cụm công nghiệp Diên Thọ do Công ty Cổ phần VCN đầu tư tại huyện Diên Khánh. Trước đây, thẩm quyền này của Thủ tướng Chính phủ, nay được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa. Nhờ đó, việc đầu tư Cụm công nghiệp này được kịp thời, đây là trung tâm kết nối của các quốc lộ, cao tốc đã và đang được xây dựng. Từ đây, việc kết nối cao tốc Vân Phong- Nha Trang, cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, thuộc cao tốc Bắc Nam; cao tốc Khánh Hòa- Lâm Đồng và Quốc lộ 27C trở nên thuận lợi hơn.
Trước đó, trong tháng 4/2024, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Công ty Cổ phần VCN được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho việc thực hiện Dự án Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh. Ông Nguyễn Minh Hải, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VCN cho biết, các cơ chế hiện nay được tỉnh Khánh Hòa áp dụng thông thoáng theo hướng phân cấp, phân quyền, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư:“Dự án cụm công nghiệp được chuyển đổi mục đích đất lúa bây giờ thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, trước đây, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh chúng tôi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ trước khi có Luật đất đai sửa đổi, Luật nhà ở có hiệu lực. Trình tự rất rõ ràng, rất thông thoáng và có các bước thủ tục để nhà đầu tư thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, thẩm tra được. Chúng tôi mong muốn điều này rất lâu rồi, vì như vậy thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo được các quy định của pháp luật”.
Đến hết 11 tháng năm nay, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành cả 22/22 chỉ tiêu năm 2024. Việc về đích sớm hơn 1 tháng cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, tăng 10,16% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.073 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2023. Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Khánh Hòa có tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2 tỷ đô la Mỹ, du lịch cũng đạt kỷ lục với hơn 10,6 triệu lượt khách, doanh thu hơn 52 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 7 cả nước và đứng thứ 2 của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện nay.
Sự phát triển của địa phương có vai trò đóng góp nổi bật của doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường mới. Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho biết, năm 2024, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu chính ngạch ổn định sang thị trường Trung Quốc, là một thị trường nghiêm ngặt, truy xuất nguồn gốc kỹ từ khai thác đến phân phối. Sắp đến, doanh nghiệp sẽ tinh gọn bộ máy, chỉ giữ lại những lĩnh vực thiết yếu và hiệu quả. Bà Trịnh Thị Hồng Vân cho biết thêm, doanh nghiệp lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách.“Thị trường Trung Quốc rất am hiểu về yến, họ biết được chất lượng, tiêu chuẩn. Thuận lợi là họ đã am hiểu rồi nhưng khó khăn là rất khắt khe về chất lượng. Điều đó, bắt buộc chúng ta phải đạt tới mới xuất khẩu qua Trung Quốc. Chúng tôi quyết tâm năm 2025, đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số so với năm 2024. Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp chiến lược, trong đó, chú trọng xuất khẩu, quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc”.- Bà Trịnh Thị Hồng Vân chia sẻ.
Bước vào năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, tăng 10,5% so với năm 2024. Cùng với đó, địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo tại vùng miền núi. Hiện nay, trong số 63 tỉnh, thành phố, Khánh Hòa đang đứng thứ 27 về quy mô kinh tế, thứ 29 về thu nhập bình quân đầu người.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng tốc độ phát triển toàn diện. Trong 3 năm qua, vị trí xếp hạng tăng trưởng GRDP của tỉnh giảm dần; Dịch vụ có tốc độ tăng thấp so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Nông nghiệp tăng trưởng không cao; Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thực hiện nhiêm vụ xây dựng giá đất, tạo quỹ đất… còn e ngại, sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ.
Trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, tỉnh Khánh Hòa xác định, năm 2025 là năm mở đầu cho “Thập niên nâng tầm và phát triển”. Trên cơ sở đó, tỉnh này phát huy tối đa các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đặc biệt là triển khai hữu hiệu các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương dành cho địa phương, phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng, giao thông như đường bộ cao tốc, đường sắt, sân bay trên địa bàn, tạo ra một diện mạo mới cho địa phương này.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: Tỉnh sẽ xây dựng công cụ đo lường chất lượng, hiệu quả của cán bộ, công chức theo ngày, tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ, sàng lọc đưa khỏi vị trí công tác những người đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. “Chúng ta đang đứng trước những tiềm năng, cơ hội, vận hội vô cùng lớn như thế. Nếu như không có đất sạch, không có cơ chế tháo gỡ, chậm trễ, tất cả các cơ hội, tiềm năng đó cũng sẽ qua đi thôi. Tăng cường phối hợp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất. Việc này, vừa phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tiến độ nhanh và khả thi nhất. Quan tâm công tác thu hút đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, tập trung cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”- Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.
vov.vn