MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thao túng", lừa gạt nhiều người nhờ vỏ bọc giàu sang: Đeo Rolex, đi Ferrari, tự xưng là... hoàng tử và nhận một "mớ tiền" đầu tư

22-03-2023 - 16:27 PM | Sống

"Thao túng", lừa gạt nhiều người nhờ vỏ bọc giàu sang: Đeo Rolex, đi Ferrari, tự xưng là... hoàng tử và nhận một "mớ tiền" đầu tư

Với những món đồ đắt tiền bên ngoài, Anthony Gignac đã thành công thao túng nhiều người mang tiền đến cho mình.

Một tay lừa đảo siêu hạng trong suốt 30 năm đã giả dạng làm người thừa kế của hoàng thân Arab Saudi. Người đàn ông này sống trong những khách sạn sang trọng, di chuyển bằng những chiếc limousine có tài xế riêng, từ đó lừa đảo hàng triệu USD.

Năm 2017, người đàn ông tự xưng là thành viên của gia đình hoàng gia Ả Rập Saudi cực kỳ giàu có, tên là Hoàng tử Khalid Bin Al-Saud, đã đàm phán với các nhà phát triển bất động sản để đầu tư 400 triệu USD vào một khách sạn sang trọng mang tính biểu tượng trên Bãi biển Miami.

Hắn thường xuyên lái xe quanh khu nhà giàu trên chiếc Ferrari California 2016 (với giá cơ bản khoảng 200.000 USD). Anh ta cũng thường xuyên xuất hiện bên cạnh những mẫu xe đắt đỏ khác như Bentley, Rolls Royce, du thuyền và máy bay phản lực tư nhân…

Từ đứa trẻ mồ côi “lột xác” thành... Hoàng tử Ả Rập

Anthony Gignac là trẻ mồ côi người Colombia được một gia đình Michigan nhận nuôi vào năm 1977. Trò lừa đảo của hắn bắt đầu sau khi chuyển đến California vào năm 1987.

Tại Mỹ, Gignac được học tiếng Anh, tới trường học và cũng nhanh chóng thể hiện tài năng sẽ giúp mình kiếm sống trong tương lai. Cậu ta đánh lừa các bạn cùng lớp rằng, mẹ nuôi mình có một khách sạn trên hồ Huron, còn cha là diễn viên hài kịch nổi tiếng Dom DeLuise.

Thao túng, lừa gạt nhiều người nhờ vỏ bọc giàu sang: Đeo Rolex, đi Ferrari, tự xưng là... hoàng tử và nhận một mớ tiền đầu tư - Ảnh 1.

Khi Gignac học đến lớp 8, bố mẹ nuôi chia tay nhau. Sau khi bỏ trốn khỏi nhà mẹ đẻ năm 17 tuổi, Anthony bắt đầu bày trò lừa đảo. Tại đây, không biết bằng cách nào gã kiếm được giấy tờ cá nhân mang tên Khalid Al Saud.

Năm 1991, kẻ mạo danh 21 tuổi đã lừa khách sạn Regent Beverly Wilshire 3.488 USD tiền phòng và tiền ăn uống, đồng thời kiếm thêm 7.500 USD tiền xe limousine.

Sau lần nói dối trót lọt đó, Anthony tiếp tục áp dụng với các cửa hàng sang trọng. Hắn tự xưng là Hoàng tử, hứa sẽ trả tiền sau và không bao giờ xuất hiện trở lại. Vào đầu những năm 2000, Anthony một lần nữa sử dụng “thân thế” hoàng gia của mình để lừa hơn 28.000 USD khi mua hàng tại Saks Fifth Avenue và Neiman Marcus.

Đầu tư hàng hiệu để “lùa gà”

Anthony Gignac tự vẽ nên cuộc sống “sang chảnh” bằng số tiền mà anh ta kiếm được từ các "nhà đầu tư". Những người này tin rằng anh ta là một hoàng tử Ả Rập Saudi thực sự sở hữu cổ phần đáng kể trong Saudi Aramco, gã khổng lồ dầu mỏ do hoàng gia Ả Rập Saudi kiểm soát.

Gignac đã lập kế hoạch chi tiết để xây dựng một mạng lưới các nhà đầu tư trên khắp thế giới bằng cách đề nghị bán cổ phần giả của Saudi Aramco với giá chiết khấu trước đợt IPO theo kế hoạch của công ty. Gignac cũng mang đến cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp ảo khác, chẳng hạn như nền tảng giao dịch nhiên liệu máy bay, sòng bạc ở Malta và một công ty dược phẩm Ireland.

Saudi Aramco cuối cùng đã ra mắt công chúng vào tháng 12 năm 2019 với mức định giá hơn 1,8 nghìn tỷ USD. Nếu những lời đề nghị đầu tư của Gignac là hợp pháp, các đối tác kinh doanh của hắn có thể đã kiếm được rất nhiều tiền.

Trên thực tế, Gignac đã nói với các nhà đầu tư rằng họ có thể kiếm được “gấp năm lần” số tiền bỏ ra. Kết quả, kẻ lừa đảo đã thu được gần 8 triệu USD từ những nhà đầu tư đó và sử dụng số tiền này để duy trì lối sống hào nhoáng của mình. Điều này càng khiến mọi người tin rằng Gignac là thành viên của một trong những gia đình giàu có nhất thế giới.

Để kế hoạch lừa đảo trót lọt, Gignac không ngại chi tiền cho những món đồ trang sức đắt tiền như nhẫn kim cương, vòng tay Cartier, đồng hồ Rolex, áo choàng trắng, mũ ghutra trắng. Theo các tài liệu của tòa án, anh ta còn mua biển số ngoại giao giả và các tài liệu bịa đặt có tên của các công ty luật và ngân hàng có liên quan đến hoàng gia Ả Rập Saudi.

Thao túng, lừa gạt nhiều người nhờ vỏ bọc giàu sang: Đeo Rolex, đi Ferrari, tự xưng là... hoàng tử và nhận một mớ tiền đầu tư - Ảnh 2.

“Thánh lừa đảo” từng suýt mua được cổ phần của Fontainebleau, một khách sạn sang trọng thuộc sở hữu của Jeffrey Soffer. Tuy nhiên, trong bữa tối, Gignac đã gọi món prosciutto cho món khai vị. Điều này khiến Soffer nghi ngờ vì người Hồi giáo không ăn thịt lợn. Cảnh sát vào cuộc điều tra khiến danh tính của Gignac nhanh chóng bị lật tẩy. Như mọi khi, hắn đã kịp bỏ trốn đến một nơi khác.

Cái kết cho kẻ giả mạo

Sau cuộc điều tra của Jeffrey Soffer, thân thế Hoàng tử Khalid al-Saud của Ả Rập Saudi hoàn toàn được đưa ra ánh sáng. Theo các công tố viên liên bang, Gignac không hề sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu USD như đã tuyên bố.

Anh ta cũng không sở hữu tòa nhà cao tầng Fisher Island và tất cả 54 căn hộ sang trọng mà thực tế chỉ là đi thuê căn hộ áp mái của tòa nhà. Ngay cả biển số xe ngoại giao cũng là giả và được đặt trên eBay.

Các đặc vụ đã phát hiện ra rằng khoảng một nửa số trang sức đắt tiền mà Gignac khoe trên Instagram là đồ giả. Để tiết kiệm tiền, hắn thường mua những chiếc Rolex rẻ nhất và sau đó nhờ một thợ kim hoàn dán kim cương lên. Kẻ lừa đảo thuê hoặc mượn những chiếc xe hơi và du thuyền sang trọng với nhiều lý do khác nhau. Sau khi phải trả lại, Gignac sẽ giải thích với người rằng bản thân quá “mệt mỏi” với những món đồ này.

Vào tháng 3 năm 2019, Gignac, 48 tuổi, đã nhận tội mạo danh một nhà ngoại giao nước ngoài. Cuộc sống xa hoa của vị hoàng gia không có thật sụp đổ với bản án 18 năm.

Theo CNBC, Vanityfair, Luxurylaunches

Thùy Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên