Thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội có thể bị phạt 1 triệu đồng
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, với quy định về tổ chức lễ hội, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định.
HĐND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết số 08 ngày 11/7/2014 của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa .
Theo Dự thảo này, sẽ phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với hành vi nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến.
Mức tiền phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Dự thảo cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Với quy định về tổ chức lễ hội , sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
Với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu một số trường hợp bị xử phạt liên quan đến bảo tồn di tích. Theo đó, phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Phạt từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh .
Với hành vi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương sẽ bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
Hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trừ trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng.
Tiền Phong