MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa "Thánh Gióng" ngành sữa Việt

16-12-2020 - 10:43 AM | Doanh nghiệp

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa "Thánh Gióng" ngành sữa Việt

Chỉ trong 10 năm vừa qua, NutiFood đã làm được rất nhiều thứ: trở thành nhà sản xuất sữa bột dinh dưỡng dành cho trẻ em hàng đầu Việt Nam, ra mắt thêm sữa tươi – sữa chua, lấn sân sang mảng cà phê… Ngoài ra, họ còn thành công xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ - Trung Quốc, xây dựng nhà máy ở Thụy Điển…

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong thập niên vừa qua với series " THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG " - Những câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, NutiFood là một cái tên nổi bật trong ngành thực phẩm & dinh dưỡng tại Việt Nam. Doanh nghiệp này luôn có những bước đi mà chẳng ai ngờ được.

Năm 2012, họ đổi tên từ Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm thành Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood. Năm 2013, họ đột nhiên lấn sân vào mảng bóng đá, khi hợp tác tài trợ cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG cũng như U19 Việt Nam với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Năm 2014, họ bắt đầu gầy dựng vùng nguyên liệu của mình với ý định lấn sân vào mảng sữa tươi trong tương lai, khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa từ đàn bò 120.000 con của Hoàng Anh Gia Lai, cũng như khởi công xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Khu Công nghiệp Trà Đa – thành phố Pleiku – Gia Lai.

Năm 2015, không hài lòng với vai trò nhà tài trợ, NutiFood đã chuyển sang làm nhà phát triển bóng đá trẻ khi góp một tay đầu tư vào Học viện bóng đá Nutifood - Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal – JMG (đây là học viện JMG thứ 2 tại Việt Nam). Cũng trong năm này, sản phẩm GrowPlus của họ lần đầu tiên dẫn đầu thị trường ngách Sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em Việt Nam và chưa từng chịu nhường ngôi tính đến thời điểm này.

Tháng 9/2015, NutiFood ra mắt dòng sữa tươi Nuti đầu tiên của mình, đồng thời hợp tác cùng Hoàng Anh Gia Lai và Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam phát triển vùng nguyên liệu cho sữa đậu nành.

Năm 2017, nhận thấy thị trường sữa tại Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn bão hòa, NutiFood cần mở rộng ngành nghề kinh doanh để tiếp tục duy trì đà tăng trường; họ đã quyết định mua lại Nông trường cà phê Phước An rồi đổ 1.000 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy chế biến cà phê công nghệ cao tại Đắk Lắk, tạo bàn đạp để tấn công vào thị trường cà phê vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 1.

Các học viên nhí của Học viện bóng đá NutiFood-JMG.

Năm 2018 là một năm có rất nhiều dấu ấn đáng nhớ với NutiFood: cái tên HAGL dần phai nhạt, học viện bóng đá trẻ liên minh 3 bên chỉ còn 2, chính thức mang tên NutiFood - JMG. NutiFood cũng tham chiến ở thị trường cà phê khi cho ra mắt nhiều sản phẩm cà phê hòa tan với thương Nuti Cafe, được cấp phép xuất khẩu sữa dinh dưỡng Pedia Plus sang Mỹ, hợp tác với tỷ phú Erik Paulsson xây dựng nhà máy sản xuất sữa – sản phẩm dinh dưỡng organic cũng như Viện nghiên cứu dinh dưỡng tại Thụy Điển.

Tới năm 2019 và 2020, NutiFood cũng có rất nhiều chuyển động quan trọng: bắt tay cùng ‘ông lớn’ trong ngành sữa Nhật Bản – Asahi sản xuất sữa bột dinh dưỡng cao cấp cho trẻ em, nhà máy sữa liên doanh ở Thụy Điển chính thức được vận hành, bắt tay cùng huyền thoại golf Greg Norman đưa cà phê Việt mang nhãn hiệu Nuti Cafe ra thế giới.

Năm 2020 bị tàn phá bởi Covid-19, song doanh nghiệp vẫn "tranh thủ" phát triển ra quốc tế. Tháng 2/2020, NutiFood cùng Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai khiến cả giới cà phê ngỡ ngàng, khi giới thiệu ra thị trường thương hiệu chuỗi quán cà phê có tên là Ông Bầu.

Đến tháng 8/2020, họ loan báo thông tin: đã thành công sản xuất được loại sữa tươi có chất lượng tốt nhất thị trường và ngang thế giới cùng thành phần dinh dưỡng 3,5g đạm và 4g béo trong 100ml từ trang trại của mình tại Gia Lai. Đến tháng 10/2020, những hộp sữa đậu nành của NutiFood lần đầu lộ diện trên các kệ hàng của Walmart tại Trung Quốc – trở thành thương hiệu sữa Việt đầu tiên được hệ thống đại siêu thị Mỹ này phân phối.

Bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood chia sẻ với chúng tôi: Thị trường xuất khẩu của NutiFood đang trải dài khắp thế giới. Hiện các sản phẩm sữa của họ đã xuất khẩu qua Philippines, Mỹ, Hàn Quốc… còn sữa đậu nành xuất sang Trung Quốc; sản phẩm cà phê đã xuất sang Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và một ít sang Thái Lan cùng Pháp.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 2.

Sản phẩm sữa đậu nành của NutiFood vừa lên kệ Walmart tại Trung Quốc.

Trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 do Forbes bình chọn, NutiFood đứng thứ 22, họ cùng với Vinamilk là 2 công ty sữa hiếm hoi có tên trong danh sách, với định giá thương hiệu khoảng 93,9 triệu USD.

Về doanh thu, trong vài năm gần đây, NutiFood ít khi công bố doanh thu và lợi nhuận của mình và theo những số liệu ít ỏi mà chúng tôi có được, thì trong vòng 5 năm từ 2013 - 2017, doanh thu của công ty đã tăng gấp 3 lần, đạt mức 9.205 tỷ đồng vào cuối năm 2017, lợi nhuận trước thuế 1.355 tỷ đồng; đến năm 2018, theo Forbes, doanh thu của họ đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng.

Hiện tại, với việc lấn sân rất nhiều ngành hàng mới cũng như xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, nhiều khả năng doanh thu của họ đã vượt con số 10.000 tỷ đồng. Về tài sản: NutiFood có 4 tổ hợp nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam ở các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Gia Lai và Hà Nam; 1 nhà máy sản xuất cà phê tại Đắc Lắc; 2 công ty liên doanh với Backahill (Thụy Điển) và Asahi (Nhật Bản) cùng một nông trại bò sữa mua lại của Hoàng Anh Gia Lai thêm trang trại cà phê Phước An (Đắc Lắc). Song chưa rõ tại sao NutiFood vẫn chưa có ý định IPO hay chính thức lên sàn chứng khoán.

ĐỨNG DẬY TỪ SAI LẦM CHỌN NGƯỜI TÀI VÀ ĐỐI TÁC

Sở dĩ NutiFood phải khởi đầu thập kỷ 2010 đầy khó khăn bởi hậu quả của mắt chọn người tài và đối tác chưa tốt trong năm 2007.

Năm 2007, khi còn có tên là Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, vợ chồng ông bà chủ Trần Thanh Hải – Trần Thị Lệ không trực tiếp quản trị & điều hành doanh nghiệp mà đi thuê rất nhiều người tài ở các công ty đa quốc gia như Unilever hay PepsiCo, trong đó nổi bật nhất là thuê ông Lê Trung Thành – cựu Phó Tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam về làm CEO.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm tại vị, team lãnh đạo mới đồng loạt từ nhiệm vào năm 2008 và bà Trần Thị Lệ phải quay trở lại điều hành NutiFood, cũng như đối mặt với khoản lỗ lên đến 148 tỷ đồng.

Sau khi quay lại ghế CEO, bà Trần Thị Lệ đã giúp công ty dần quay trở lại quỹ đạo phát triển. Năm 2012, Kinh Đô thoái hết vốn tại NutiFood, ông Trần Thanh Hải đã mua lại số cổ phần của Kinh Đô và trở thành tân Chủ tịch mới của NutiFood. Trong năm 2013, NutiFood còn chứng kiến sự rút lui của Quỹ Đầu tư Công nghiệp DI Châu Á.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 3.

Năm 2012, ông Trần Thanh Hải lên ngồi chiếc ghế Chủ tịch NutiFood với rất nhiều tâm tư buồn.

"Nutifood đã để vuột mất cơ hội. Với sức mạnh của Vinamilk, TH True Milk hay Friesland Campina hiện tại, Nutifood chắc chắn không thể theo kịp. Chiến lược của Nutifood hiện tại là nhắm vào hiệu quả, chứ không phải quy mô", ông Trần Thanh Hải thừa nhận vào thời điểm đó. Nutifood từng có một thời gian tăng trưởng rất nhanh vào đầu những năm 2000 – khi tăng trưởng đều đặn 250% mỗi năm, lọt vào top 4 nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam, theo Nielsen.

"CUỘC TÌNH LẠ" VỚI HOÀNG ANH GIA LAI 

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, "con tim" của Chủ tịch Trần Thanh Hải "đã vui trở lại" khi kết đôi với Hoàng Anh Gia Lai.

Có lẽ, mối lương duyên giữa 2 ông chủ Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và NutiFood – Trần Thanh Hải (bầu Hải) bắt đầu từ những ngày cùng chinh chiến tại mảng bất động sản, sau này là với tư cách ông chủ CLB bóng đá và nhà tài trợ, rồi tiến lên tầm cao mới khi NutiFood cam kết bao tiêu sản phẩm sữa cho nông trại của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm 2014.

Lúc đó, HAGL đang hừng hực khí thế muốn trở thành người dẫn dắt nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khoảng thời gian 2013-2014 đầu tư nuôi bò sữa và bò thịt. Lúc này ngoài đối tác bao tiêu sữa NutiFood, HAGL còn ký kết với Vissan bao tiêu thịt bò.

HAGL đã đầu tư 6.300 tỷ đồng cho dự án nuôi bò của mình, dự kiến tổng đàn là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa và 116.000 con bò thịt. NutiFood đã đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% với công nghệ và thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Đức, Thụy Điển. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 5.000 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn, nhà máy sẽ cách trang trại của HAGL khoảng 40km.

Giai đoạn đầu 2014-2015, NutiFood sẽ xây dựng nhà máy với vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng, công suất 290 triệu lít sữa tươi/năm. Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư trong những năm kế tiếp với số vốn 1.500 tỷ đồng nhằm nâng công suất nhà máy sữa lên 500 triệu lít sữa tươi/năm. Như cam kết trước đó của 2 doanh nghiệp, năm 2015 NutiFood đã ra mắt thị trường loại sữa tươi – sữa chua với giá thành rẻ nhất so với tất cả đối thủ.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 4.

Năm 2015, HAGL và NutiFood cùng ra mắt sữa tươi rẻ nhất thị trường thời điểm đó.

Mặt khác, trong dự án liên kết phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành, viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam sẽ nghiên cứu giống và trồng thực nghiệm để cho ra những loại đậu tương với năng suất cao, chất lượng tốt. Phần mình, Hoàng Anh Gia Lai sẽ dành quỹ đất khoảng 1000 ha để trồng đậu tương và tới năm 2020 quỹ đất dự kiến lên tới 3000 ha. NutiFood sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng đậu tương, dự kiến năm đầu tiên khoảng 2500 tấn cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành và khoảng 20 ngàn tấn trong những năm tiếp theo để sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành/1 năm.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ vài năm sau, giấc mơ bá chủ ngành nông nghiệp Việt Nam và Đông Nam Á của ông chủ HAGL từng bước vỡ vụn khi dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc nghẽn. Những cây trồng được họ đặt nhiều kỳ vọng như mía – cao su – cọ dầu liên tục rớt giá và đỉnh điểm là phải bán bớt tài sản, như bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công hay phải cậy nhờ THACO để tiếp tục sinh tồn. Năm 2017, đã có rất nhiều nghi ngại dành cho NutiFood trong trường hợp HAGL chết chìm.

Mới đây vào 8/2020, trong buổi thông báo về chiến lược phát triển mới ở mảng sữa tươi của NutiFood, chuyển từ giá rẻ sang cao cấp với giá trị dinh dưỡng cao nhất thị trường, người ta mới biết là họ đã âm thầm mua lại trang trại bò sữa của HAGL từ năm 2018.

Theo NutiFood, ngày 1/7/2018, sau khi Hoàng Anh Gia Lai chuyển giao trang trại lại rộng 1.000ha cho NutiFood, đối tác này đã chuyển đàn bò thịt đi chỗ khác. Hiện trang trại NutiMilk của NutiFood với công suất tối đa khoảng 12.000 con, đang là nhà của 7.000 con bò và bê. Nên nếu NutiFood quyết định mở rộng quy mô đàn bò, thì họ sẽ sử dụng hết công năng của trang trại NutiMilk trước khi xây dựng 1 trang trại khác.

"Nhờ khí hậu của trang trại NutiMilk rất thích hợp với việc sản xuất sữa chất lượng cao. Vì theo nghiên cứu, thì thời tiết càng lạnh độ đạm và béo trong sữa của bò càng đậm đặc, chất lượng càng cao.

Sau 2 năm áp dụng tiêu chuẩn nuôi trồng khắt khe của Thụy Điển lên đàn bò ở trang trại NutiMilk, giờ đây đàn bò của chúng tôi đã có thể sản xuất được loại sữa có chất lượng cao nhất thị trường Việt Nam và ngang bằng thế giới: 3,5% chất đạm và 4% chất béo trong 100ml sữa. Đây là tiêu chuẩn thấp nhất mà trang trại NutiMilk đang sản xuất", ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 5.

Nhà máy sản xuất sữa tươi của NutiFood ở Gia Lai.

Mặc dù HAGL không đi được đến cuối con đường trong dự án hợp tác nói trên, song mối quan hệ giữa 2 ông bầu nói riêng và HAGL – NutiFood nói chung vẫn luôn bền chặt. Minh chứng là cùng với một1 ông bầu nữa – "bầu Thắng" của Đồng Tâm Long An, cả 3 đã đứng ra thành lập thương hiệu chuỗi cà phê Ông Bầu, với pháp nhân góp vốn trên giấy tờ là các con của các ông bầu. Chuỗi Ông Bầu là một kênh rất tốt để NutiFood giới thiệu các sản phẩm cà phê của mình tới tận tay người dân Việt Nam.

Với thương vụ này, chúng ta có thể hình dung phân công công việc như sau: ‘bầu Đức’ cùng với các ngôi sao bóng đá xuất thân từ lò HAGL như Công Phượng – Xuân Trường – Tuấn Anh sẽ đảm nhiệm vai trò chính là marketing – PR, ‘bầu Thắng’ – Đồng Tâm Long An sẽ lo vấn đề tài chính và nhượng quyền nhờ sự hẫu thuẫn của KienLongBank, còn NutiFood phụ trách phần nguyên liệu đầu vào như cà phê, sữa và các sản phẩm từ sữa…

Trong buổi khai trương quán cà phê Ông Bầu thứ 100 sáng 1/7/2020 tại TP. HCM, ông Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ rằng, mục tiêu của thương hiệu cà phê mới này là sẽ có 10.000 quán trong năm 2022.

Đây là một con số có phần tham vọng. Vì xét vào quá trình phát triển cũng như thị trường trong vài năm tới, những cái tên lớn tại thị trường trong nước như Highlands Coffee hay The Coffee House, Starbucks hay Trung Nguyên... đều đang rất mạnh cũng chỉ sở hữu một vài trăm quán, mục tiêu 10.000 quán vào 2022 của Ông Bầu dường như không hề khả thi.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 6.

Thương hiệu Ông Bầu là sự hợp tác giữa '3 ông bầu' bóng đá Thắng - Hải - Đức.

Ngoài ra, mối quan hệ của cả hai cũng khá nhập nhằng, năm 2018, NutiFood có nhận từ HAGL một học viện bóng đá và 1 trang trại bò sữa, song phía NutiFood chỉ nói là "HAGL chuyển giao" chứ không nói rõ là mua hay tiếp tục hợp tác theo phương thức nào.

CHIẾN LƯỢC "ĐÁNH" THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI LINH HOẠT

Về xuất khẩu, chiến lược của NutiFood khá linh hoạt và thường đánh vào những thị trường tiêu dùng khó tính nhưng có giá trị cao như Nhật Bản - Mỹ - châu Âu và Trung Quốc với những sản phẩm phù hợp với từng thị trường cụ thể, chứ không xuất khẩu tất cả những gì mình có.

Tháng 1/2018, Nutifood và Công ty Delori đến từ Mỹ đã ký kết một hợp đồng lớn nhằm phân phối sản phẩm sữa dinh dưỡng dành cho trẻ em Pedia Plus trên 300 siêu thị ở California (Mỹ). Dự kiến, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của Nutifood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. Mục tiêu của Delori là sẽ mang sản phẩm Pedia Plus vào hệ thống các siêu thị trên toàn nước Mỹ. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi như kế hoạch, sau 5 năm, doanh thu của Nutifood tại thị trường Mỹ sẽ tăng lên 100 triệu USD/năm.

"Khó khăn lớn nhất của Nutifood trong quá trình đàm phán để được "cấp visa" sang Mỹ chắc chắn là việc thỏa mãn các tiêu chuẩn khắc khe của FDA – Tổ chức kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn của Mỹ. Việc đánh giá Pedia Plus và Nutifood đã được FDA ủy quyền cho một bên thứ ba là Michelson Laboratories.

Đầu tiên, chúng tôi nghĩ chắc là mọi chuyện sẽ dễ dàng. Vì bản thân nhà máy sản xuất Pedia Plus tại Bình Dương cũng đã rất tiên tiến và hiện đại, với đủ các tiêu chuẩn về GMP Codex, ISO 22.000, HCCP… Nhưng, với việc Pedia Plus là sản phẩm đặc trị axit thấp, là loại sữa bị người Mỹ kiểm soát chặt chẽ nhất, mọi thứ lại không giống như chúng tôi tiên đoán.

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 7.

Ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch NutiFood

Michelson Laboratories không chỉ muốn nhà máy của chúng tôi phải tự động hóa tất cả các khâu mà phải có hệ thống kiểm soát được tự động. Ví dụ, ở công đoạn nào đó, nhiệt độ chuẩn phải là 140 độ C, nếu trong quá trình sản xuất, đột nhiên nhiệt độ thấp hoặc cao hơn nhiệt độ chuẩn, thì hệ thống trung tâm phải được báo cáo sự việc và sau đó có phương án xử lý khả thi.

Ngoài ra, nhân sự cũng phải được chuẩn hóa. Tất cả những kỹ sư và chuyên gia vận hành dây chuyền đều phải đi học để lấy các chứng nhận của FDA. Chúng tôi đã mất 6 tháng và 1 triệu USD để kiện toàn nhà máy, dây chuyền sản xuất cũng như con người mới đạt những tiêu chuẩn mà FDA đề ra", ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch NutiFood nói về những khó khăn khi làm ‘visa’ đi Mỹ.

Với thị trường Trung Quốc, họ không đi trực tiếp, mà thông qua hệ thống đại siêu thị Walmart của Mỹ. Nhờ đã đầu tư thích đáng để lấy chứng chỉ FDA, nên quá trình thuyết phục Walmart phân phối sữa đậu nành tại Trung Quốc của doanh nghiệp này không gặp nhiều khó khăn như với Pedia Plus – Delori. Sau Pedia Plus, NutiFood đã được cấp phép xuất khẩu tiếp sữa chua uống tiệt trùng, sữa đậu nành…sang thị trường Mỹ.

Chia sẻ từ NutiFood, để có thể hợp tác thành công với "gã khổng lồ của ngành bán lẻ", NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do Walmart đề ra. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao; họ còn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội...

Nói về cột mốc này, bác sĩ Trần Thị Lệ - CEO NutiFood, cho biết: "Đáp ứng được tốt nhất tất cả các điều kiện khắt khe mà Walmart đề ra là một thành quả tự hào cho những nỗ lực không ngừng của tập thể CBNV NutiFood tại Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ và Thụy Điển".

Như thế, có thể thấy, việc liên doanh với 2 đối tác đến từ Thụy Điển – Backahill và Asahi đến từ Nhật Bản, đã giúp quá trình ‘đánh chiếm’ thế giới của NutiFood dễ dàng hơn, profile cũng đẹp hơn và có nhiều lợi thế để đàm phán khi gặp các nhà cung cấp lớn trên thế giới.

NutiFood hiện có một Viện dinh dưỡng liên doanh cùng đối tác Backahill ở Thụy Điển và vùng đất này cũng là cảm hứng khiến họ quyết tâm đầu tư sản xuất dòng sữa tươi cao cấp tại nhà máy ở Gia Lai. Tháng 5/2019, nhà máy sữa NutiFood Sweden AB đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án đầu tư liên doanh ba bên giữa NutiFood (sở hữu 50% vốn) cùng Tập đoàn Backahill của tỷ phú Erik Paulsson (25% vốn) và Hợp Tác Xã các nông trại chăn nuôi bò sữa Skånemejerier Ekonomisk Förening (25% vốn).

Thập niên lợi hại của NutiFood: Sửa chữa sai lầm chọn nhầm đối tác, hãng sữa bột cho trẻ thấp còi hóa Thánh Gióng ngành sữa Việt - Ảnh 8.

Nhà máy sữa NutiFood Sweden AB

Giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, với tổng công suất 15.000 tấn/năm bao gồm 5.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và 10.000 tấn bột dinh dưỡng cho trẻ em, được điều hành bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm từ các tập đoàn sữa - thực phẩm nổi tiếng trên thế giới. Giai đoạn 2 sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic cao cấp đóng lon. Sản phầm từ nhà máy này không chỉ hướng đến phân phối châu Âu - châu Á, mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch NutiFood giải thích về lý do chọn đầu tư vào Thụy Điển: "Trong chiến lược vươn ra thế giới của mình, chúng tôi đã chinh phục được thị trường Mỹ, đây là bước tiếp theo để chúng tôi chinh phục thị trường Châu Âu. Chúng tôi chọn Thụy Điển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa".

Cũng đầu năm 2019, NutiFood cũng đã có cú bắt tay quan trọng với tập đoàn F&B hàng đầu Nhật Bản – Asahi. Theo đó, NutiFood cùng Tập đoàn Asahi sẽ thành lập liên doanh hợp tác giữa hai bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Nutifood và Asahi sẽ cùng góp vốn 50-50 cho liên doanh này.

Ông Lê Nguyên Hòa – Phó chủ tịch NutiFood tiết lộ, trong giai đoạn đầu tiên, NutiFood sẽ đóng góp về mặt R&D cũng như hệ thống phân phối cho các sản phẩm sữa/thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em mang thương hiệu Wakodo khi bán tại thị trường Việt. Vì tại thị trường Việt Nam, không ai hiểu về sữa/thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em bản địa hơn NutiFood.

Tức là, Wakodo sẽ dùng công thức mà các chuyên gia dinh dưỡng NutiFood và Wakodo nghiên cứu được, phù hợp nhất với thể trạng của trẻ em Việt Nam, sau đó sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản và nhập khẩu vào Việt Nam. Còn trong tương lai, có thể NutiFood sẽ thâm nhập thị trường Nhật Bản như cách mà Asahi đang đi để tấn công thị trường Việt. Như thế, NutiFood sẽ bước vào phân khúc cao cấp của sữa trẻ em tại thị trường Việt Nam nhanh hơn là tự thực hiện.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên