MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất bại càng sớm càng tốt - 1 trong những ngộ nhận trong kinh doanh đang đưa bạn ngày càng xa rời thành công

14-10-2017 - 21:41 PM | Sống

Niềm tin, giống như các câu chuyện cổ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên có những niềm tin cố hữu đang ngăn cản chúng ta chạm tới thành công nếu chúng ta không thay đổi cách tư duy và hành động.

Tác giả John Boitnott chia sẻ trên Inc. rằng anh đã có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, những người tạo được bước tiến rực rỡ trên con đường sự nghiệp của mình. Từ những lần gặp gỡ hiếm hoi, những lời khuyên bổ ích họ đưa cho anh, John Boitnott dần nhận ra có một số niềm tin chỉ là sự ngộ nhận.

Ngộ nhận 1: Nếu ai đó nhìn có vẻ thành công, họ cũng là người thành công

John Boitnott đã từng nói chuyện với Joseph Bradley, Phó chủ tịch mảng Dịch vụ kỹ thuật số tại Cisco. Theo vị phó chủ tịch, trước đây ông có thời gian làm nhân viên ngân hàng tại nhà băng Wells Fargo.

Vì vậy, ông nhìn thấy nhiều người vào ngân hàng, lại những chiếc xe đáng mơ ước và có vẻ như rất giàu có. Thực thế thì lại khác. Khi ông tra cứu thông tin, những vị khách này chỉ có khoảng 100 USD trong tài khoản. Còn một số vị khách, chỉ mặc áo phông và quần jean bình thường, lại thuộc danh mục khách VIP.

“Khi tôi nhận ra điều này, tôi luôn dành ra 5 phút cho bất cứ ai tiến đến với mình, dù họ trông thế nào, mặc gì hay lái chiếc xe xấu đẹp ra sao”, Bradley nói.

Theo ông, thay vì đánh giá mỗi người dựa trên những gì họ sở hữu, chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu xem liệu mình có thể cùng họ xây dựng một mối quan hệ cùng có lợi hay không.

Ngộ nhận 2: Thất bại càng sớm càng tốt

Một số doanh nhân cho biết họ học được rất nhiều điều từ những lần khởi nghiệp thất bại trước đó. Thậm chí ở thung lũng Silicon, thất bại được coi như một biểu tượng danh dự: bạn càng thất bại nhiều, bạn càng được ngợi ca. Thất bại là một dạng chiến thắng “bất thường” mà ở đó, không ai thực sự thắng cuộc.

Còn theo phó chủ tịch Cisco: “Chẳng ai mong muốn thất bại, dù nó đến sớm hay muộn. Nếu bạn đã thực sự trải nghiệm cảm giác thất bại, bạn sẽ hiểu đây là điều cuối cùng mọi người nghĩ tới”.

Vậy nên, Bradley cho rằng để tiến về phía trước, mỗi người cần cố gắng tăng độ tập trung trong công việc và học tập. Khi ấy, tốc độ xử lý thông tin và giải quyết các tình huống “bết bát” cũng nhanh hơn, khả năng “giấc mộng tan vỡ” cũng thấp hơn.

Ngộ nhận 3: Bạn có thể làm mọi việc một mình

Khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, bạn thường tự tin hơn vào bản thân. Khi bạn tự tin hơn, bạn ít tham khảo ý kiến những người xung quanh và có xu hướng tự quyết định hơn. Nhiều người cho rằng ai cũng có thể đưa ra lời khuyên nhưng bạn mới là người quyết định cuối cùng. Mọi việc đều ổn thỏa, nghĩa là bạn đang lựa chọn đúng.

Nếu bạn hoặc ai đó xung quanh bạn có kiểu cư xử này, hãy cẩn thận. Trong kinh doanh, thật dễ dàng để tập trung vào những gì bạn đang làm mà quên mất rằng có những vấn đề cần làm việc theo nhóm mới giải quyết được.

Patrick Witham, Chủ tịch kiêm CEO của Paragon BioTeck cho biết: "Công ty chúng tôi chuyên chế tạo các loại thuốc và thiết bị y tế mới thông qua quy trình quản lý nghiêm ngặt. Việc này đòi hỏi chúng tôi phải hợp tác với nhiều bên có năng lực khá hơn mình để tìm ra phương án cuối cùng. Tôi nghĩ mỗi người nên tận dụng mối quan hệ và kỹ năng chuyên môn để tìm ra đối tác phù hợp, giúp cả hai bên đều có lợi”.

Rõ ràng Witham không thể tạo ra một công ty có giá trị cả triệu đô la nếu chỉ cố gắng một mình, và ai trong chúng ta cũng thế. Vì vậy, hãy tập hợp một nhóm và tạo dựng thành công cùng với nhau.

Ngộ nhận 4: Đã làm chủ thì cần biết mọi thứ

Một số người nghĩ để bước chân vào kinh doanh hoặc đảm nhiệm vị trí nào đó, họ cần biết mọi thứ, nếu không sẽ bị nghi ngờ về năng lực. Nhưng Witham cho rằng việc này chỉ khiến một cá nhân nào đó cái gì cũng biết, nhưng cuối cùng lại chẳng biết cái gì.

“Bạn không cần phải giỏi về mọi thứ”, Patrick Witham cho biết. “Một trong những bài học quan trọng tôi học được là nhận ra mình giỏi ở đâu, và chỉ tập trung vào những thứ tôi thật sự làm tốt. Còn lại tôi cố gắng thúc đẩy mọi người xung quanh tự tìm kiếm, phát triển năng lực thực sự của bản thân. Cuối cùng chúng tôi có một tổ đội toàn những cá nhân tuyệt vời, công việc vì thế cũng rất suôn sẻ”.

Không có lý do nào giải thích hợp lý cho việc chúng ta phải căng mình ra làm mọi chuyện một mình. Khi mọi người làm việc cùng nhau mỗi cá nhân có thời gian để hít mội hơi thật sâu và thư giãn, vì những gì họ không làm được sẽ có người khác chạy đến hỗ trợ.

Ngộ nhận 5: Kỹ năng lãnh đạo không thể tự học

Bạn nghĩ khả năng lãnh đạo thuộc về bản chất, sinh ra đã có. Còn với một người bình thường, thật khó để tự phát triển các kỹ năng này và trở thành một cá nhân có tầm ảnh hưởng.

Vì ý nghĩ như thế nên bạn mãi mắc kẹt với công việc hiện tại, lặp lại những tác vụ nhàm chán hằng ngày cho đến khi bạn quyết định từ bỏ hoặc sếp vì một lý do nào đó sa thải bạn. Vậy có cách nào thoát khỏi tình trạng này? Hãy thử học các kỹ năng lãnh đạo.

Michael Dennin, Phó hiệu trưởng đại học California chia sẻ: "Là một giáo sư vật lý, một phó hiểu trưởng, tôi có quan điểm khá khác biệt về vấn đề lãnh đạo. "

“Đừng đợi đến khi cơ hội lãnh đạo rơi vào tay bạn. Ngoài kia có những hệ thống và công nghệ tiên tiến giúp chúng ta tìm hiểu kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo. Hãy tự tìm các công cụ phù hợp để học kỹ năng lãnh đạo. Sau đó vận dụng những gì đã học để thực hành và tự tạo cơ hội cho chính mình. Cùng với thái độ tích cực và tác phong làm việc chăm chỉ, bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo như bạn luôn mong muốn”.

Theo Hồng Lam

Trí thức trẻ

Trở lên trên