MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thật giả hàng tồn kho - Nhà đầu tư làm sao để tránh gặp phải một "Gỗ Trường Thành" thứ 2?

Bảng cân đối kế toán vẽ nên dáng dấp của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Một thân hình cân đối hay lệch vẹo chính là yếu tố quan trọng góp phần vào quyết định của nhà đầu tư và các đơn vị cung cấp tín dụng, liệu chúng ta có nên “kết hôn” với “cô gái này” hay chăng?

Đã qua rồi thời kỳ nhà đầu tư chỉ "cắm đầu" mua bán cổ phiếu theo những lời "phím hàng". Bây giờ, các nhà đầu tư đều chủ động tìm hiểu, nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ít nhất là để có một cái nhìn khái quát về món hàng mà mình chọn mua. Thế nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được những con số khô khan đó, chưa kể nhiều doanh nghiệp còn có những thủ thuật để phù phép số liệu vì mục đích riêng.

Chuỗi bài về các thủ thuật tài chính sẽ cố gắng diễn giải những "thủ thuật " trên BCTC một cách đơn giản nhất nhằm đem lại cho NĐT phổ thông những kiến thức cơ bản và có quyết định sáng suốt khi chọn lựa cổ phiếu.


Nếu báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh thành tích hoạt động của doanh nghiệp trong cả quá trình, thì bảng cân đối kế toán lại vẽ nên dáng dấp của doanh nghiệp đó tại một thời điểm nhất định. Một thân hình cân đối hay lệch vẹo chính là yếu tố quan trọng góp phần vào quyết định của nhà đầu tư và các đơn vị cung cấp tín dụng, liệu chúng ta có nên “kết hôn” với “cô gái này” hay chăng. Với tâm lý “cả năm mới có một ngày” nên cái “ngày trọng đại đó” luôn cần được thể hiện một cách đẹp đẽ nhất, và để biến một thân hình mất cân đối trở nên hoàn mỹ hơn chỉ trong một ngày không phải là việc quá khó đối với doanh nghiệp.

Nhìn chung, doanh nghiệp thường có xu hướng ghi cao tài sản, và ghi giảm nợ phải trả để báo cáo trở nên khỏe mạnh và cân đối hơn. Xét về tài sản, một trong những khoản mục bị biến tấu nhiều nhất có lẽ là hàng tồn kho.

Hàng tồn kho ảo

Nói đến hàng tồn kho ảo, người đọc không khỏi liên tưởng tới vụ bê bối của gỗ Trường Thành, khi nhà đầu tư đã phải phát hoảng với gần 1.000 tỷ hàng tồn kho chỉ tồn tại trên giấy tờ, sổ sách. Gỗ, Thủy sản, Xi măng và Cà Phê chính là những đơn vị có khả năng ghi nhận hàng tồn kho ảo nhất nhờ đặc thù hàng hóa nhiều, đặt tại các địa điểm khác nhau và khó kiểm đếm.

Ví dụ với đơn vị sản xuất xi măng, để kiểm tra được lượng xi măng, đá hay phụ liệu, thạch cao tồn kho đòi hỏi người kiểm đếm cần có kiến thức nhất định về tỷ trọng, hình khối và thể tích. Việc vẽ ra một số liệu trên mây là điều không hề khó. Ngoài ra, biên bản kiểm kê – một trong những cơ sở vững chãi nhất cho số liệu giá trị hàng tồn kho trên báo cáo tài chính lại là một chứng từ được tạo ra một cách hoàn toàn nội bộ, phụ thuộc phần nhiều vào công tác quản lý và ý thức của doanh nghiệp.

Phân bổ sai giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

Đã từng giải thích với bạn đọc trong bài viết về các thủ thuật hô biến chi phí, giữa chi phí giá vốn và khoản mục hàng tồn kho luôn tồn tại một mối quan hệ chi phối lẫn nhau. Tổng tiêu hao sản xuất kinh doanh trong kỳ là một số không đổi, lượng chi phí này sẽ được phân bổ thành hai phần – giá trị hàng đã bán tức giá vốn, giá trị hàng chưa bán tức hàng tồn kho.

Doanh nghiệp, với mục đích muốn ghi cao khoản mục hàng tồn kho cuối kỳ, sẽ cố tình ghim giữ chi phí lại trong khoản mục hàng tồn kho thay vì phân bổ đúng vào phần hàng đã bán là giá vốn. Phương pháp này vừa giúp tăng tài sản của doanh nghiệp, đồng thời giúp làm giảm chi phí, chính là một kế sách đơn giản, khó phát hiện mà đem lại hiệu quả lớn.

Không đánh giá và trích lập dự phòng cho hàng tồn kho đã giảm giá trị sử dụng

Căn cứ chuẩn mực kế toán số 02, Hàng tồn kho cần được thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại giá trị sử dụng ít nhất hàng năm. Ngay khi có có dấu hiệu của việc suy giảm giá trị (hay còn gọi là trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá trị sổ sách), để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, doanh nghiệp cần lập trích lập dự phòng hoặc chi phí hóa ngay cho lượng hàng hóa này. Động tác trên sẽ tác động một cách tiêu cực tới cả bảng cân đối (làm giảm tài sản) và báo cáo kết quả kinh doanh (tăng chi phí) vì vậy sẽ vô cùng dễ hiểu khi mà các doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh việc trích lập dự phòng cho hàng tồn kho.

Ghi nhận hàng tồn kho khi chưa được chuyển giao quyền sở hữu

Trong thời điểm đóng sổ cuối năm tài chính, doanh nghiệp có thể có một số lô hàng vẫn hàng trong quá trình vận chuyển. Theo nguyên tắc ghi nhận kế toán, hàng hóa chỉ được phép ghi nhận khi thỏa mãn năm điều kiện mà trong đó quan trọng nhất là “Phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm đã được chuyển từ người bán sang người mua”. Hiện thân của việc chuyển giao quyền sở hữu thường là Biên bản bàn giao cho hàng trong nước hoặc ngày chuyển giao rủi ro tùy theo các điều kiện thanh toán quốc tế Incoterm.

Tuy nhiên tới thời điểm chốt sổ báo cáo, doanh nghiệp nếu có động cơ tăng giá trị khoản mục hàng tồn kho sẽ cố tình ghi nhận hàng hóa ngay cả khi chưa thực sự ký kết bàn giao giữa hai bên hoặc chưa thỏa mãn thời điểm giao hàng quốc tế. Trên thực tế phương pháp này sẽ dẫn tới cùng lúc tăng khoản mục phải trả, điều mà ít nhiều doanh nghiệp cũng không hề thích thú.

Hàng tồn kho luôn là một khoản mục mang tính chất đặc thù ngành nghề cao mà để đánh giá và phán định sẽ đòi hỏi người đọc cần có mức độ kiến thức nhất định về lĩnh vực đó. Nhà đầu tư cần trang bị những gì để có thể phát hiện ra các gian lận trong hàng tồn kho là một câu hỏi vô cùng khó, yếu tố tốt nhất dùng để đánh giá rủi ro lúc này có lẽ chính là uy tín của doanh nghiệp cũng như đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, bạn đọc cũng có thể tự thực hiện một số phân tích mang tính liên kết giữa các năm như so sánh mức sinh lời gộp nhằm xem xét khả năng doanh nghiệp có đang chuyển bớt một phần chi phí giá vốn vào hàng tồn kho, so sánh chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho, so sánh biến động của tỷ trọng hàng tồn kho với tổng tài sản ngắn hạn và đánh giá tính hợp lý trong bức tranh chung của đơn vị và ngành, từ đó khoanh vùng khả năng xảy ra sai sót trọng yếu có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của bản thân.

Thanh Tâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên