MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thật lòng khuyên cha mẹ đừng nói 5 câu này với con nữa, để lại tổn thương sâu không lường được đâu

16-08-2024 - 17:22 PM | Sống

Lời nói cũng có thể gây ra những tổn thương sâu sắc đến trẻ.

Không ai nghi ngờ tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái. Thế nhưng với tâm lý "vì muốn tốt cho con" mà đôi khi, cha mẹ đã nói ra nhiều lời làm tổn thương con cái mà không hề hay biết.

Sức mạnh của ngôn từ lớn hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Lời nói có thể làm động lực vực dậy một con người và đồng thời, nếu không kiểm soát được, lời nói cũng có thể gây ra những tổn thương khó xóa nhòa.

Dưới đây là 5 câu cửa miệng cha mẹ thường hay nói, cứ ngỡ là bình thường song thực chất trẻ chẳng hề muốn nghe, khuyên thật lòng các bậc phụ huynh nên hạn chế, thậm chí không sử dụng những mẫu câu như vậy nữa.

1. "Bố mẹ hứa với con bao giờ?"

Cách đây ít ngày, tôi đọc được một đoạn tâm sự trên MXH: Trước kỳ thi cuối kỳ, để động viên con, tôi đã nói với cháu rằng nếu cháu lọt vào top 5 thì sẽ được phép chơi game. Lúc đó tôi không nghĩ con mình có thể làm bài tốt tới vậy, kết quả cháu thực sự đã thi được thứ 4. Nhưng điều này có tính là khuyến khích trẻ chơi game không? Tôi đã bàn với con về việc đổi một phần thưởng khác nhưng con không đồng ý.

Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc từng thực hiện một cuộc khảo sát ở học sinh tiểu học và trung học, kết quả cho thấy hành vi khiến trẻ không hài lòng với cha mẹ nhất là "cha mẹ không giữ lời". Lựa chọn này chiếm tới 43,6% và đứng đầu danh sách. Ngược lại, trong số những hành vi từ cha mẹ khiến trẻ cảm thấy hài lòng nhất, "giữ lời" xếp ở top đầu.

Bạn thấy đấy, con cái ghét cay ghét đắng việc cha mẹ không giữ lời, và rất mong muốn cha mẹ có thể tuân thủ lời hứa.

Thật lòng khuyên cha mẹ đừng nói 5 câu này với con nữa, để lại tổn thương sâu không lường được đâu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu đã hứa với con thì hãy giữ lời, đừng giả vờ mất trí nhớ và nói những câu đại loại như "Bố mẹ đã hứa với con khi nào?". Kiểu "lừa dối" này sẽ chỉ mang lại sự ngờ vực và phá hủy lòng tin giữa cha mẹ và con cái.

Nếu bạn thực sự lo lắng hoặc không thể thực hiện được những gì đã hứa thì đừng hứa suông ngay từ đầu.

2. "Con mà còn như vậy, bố mẹ sẽ không cần con nữa đâu!"

Tối qua, tôi đưa con gái đi dạo ở quảng trường và thấy một cậu bé đang vừa gào vừa khóc. Tôi chạy lại xem mới biết, hóa ra cậu bé muốn mua một khẩu súng nước nhỏ, nhưng mẹ cậu không chịu mua và cậu bé bắt đầu khóc lóc.

Sau đó, người mẹ có vẻ thực sự không thể chịu đựng được nữa nên đã nói thẳng với con: "Lần nào ra ngoài cũng đòi mua đồ chơi, trong khi đồ chơi ở nhà thì chất đống. Con mà còn như thế, bố mẹ không cần con nữa đâu. Con thích thì đi tìm người mua đồ chơi cho con rồi nhận người ta làm bố mẹ đi".

Nói xong, người mẹ thật sự xoay người rời đi.

Khi nhận ra rằng mẹ mình thực sự sắp đi, cậu bé bắt đầu khóc thét lên đòi mẹ, còn liên tục giậm chân kêu gào. Trạng thái của cậu bé lúc đó vừa là tức giận, vừa lo lắng và có lẽ nhiều hơn cả chính là sợ bị "bỏ rơi".

"Nếu con khóc nữa mẹ sẽ không thích con đâu".

"Nếu con tiếp tục gây rắc rối, mẹ sẽ không cần con nữa".

Những câu nói này có quen không? Chúng ta luôn cảm thấy mình chỉ đang "dọa" trẻ chứ không phải là chúng ta thực sự không muốn trẻ nên thường xuyên nói những lời tương tự mà không suy nghĩ. Tuy nhiên, như nhà tâm lý học Susan Forward đã nói, trẻ em không thể phân biệt giữa sự thật và trò đùa. Chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về chúng và biến nó thành quan điểm về mình.

Chúng thực sự sẽ nghĩ rằng nếu mình không ngoan, cha mẹ sẽ không cần mình nữa, chúng sẽ cho rằng tình yêu của cha mẹ có điều kiện, trong lòng sẽ thiếu một cảm giác an toàn, sẽ có nỗi sợ hãi bị bỏ rơi bất cứ lúc nào.

Thật lòng khuyên cha mẹ đừng nói 5 câu này với con nữa, để lại tổn thương sâu không lường được đâu- Ảnh 2.

Ảnh minh họa


3. "Bố mẹ đã nói bao lần rồi mà con không chịu nghe!"

"Bố mẹ đã bảo với con là đừng đi đường đó, con cứ không nghe, rồi đó, ngã rồi chứ gì".

"Bố mẹ đã bảo với con là đừng có cầm hai cái cốc cùng lúc, con cứ không nghe, rồi đó, làm vỡ rồi chứ gì".

Trẻ thường làm theo ý mình vì tò mò hoặc nổi loạn, chúng cũng thường mắc sai lầm do thiếu năng lực và kinh nghiệm. Lúc này, việc la mắng, khiển trách trẻ không những không giúp ích gì mà còn làm giảm tính tò mò của trẻ, thậm chí khiến trẻ chọn cách trốn chạy trước áp lực.

Trên thực tế, thử làm và phạm sai lầm thường xuyên là cơ hội tốt để học hỏi. Hãy hỏi trẻ thật kỹ, có thể bạn sẽ phát ra rằng chúng chỉ là muốn trải nghiệm, muốn hiểu tại sao không nên đi con đường đó, muốn khi cầm cốc của mình có thể tiện thể cầm luôn cốc giúp mẹ.

Khi bạn quan sát kỹ một đứa trẻ đang cố gắng thử và trưởng thành, hướng dẫn trẻ hiểu được điểm mạnh của bản thân, học kỹ năng nắm bắt và tận hưởng niềm vui khám phá cùng trẻ, bạn sẽ thấy rằng những thử thách và sai sót đó thực sự khiến trẻ học được điều mới và phát triển toàn diện.

4. "Bố mẹ làm thế là vì muốn tốt cho con!"

Tháng trước, khi đăng ký xét tuyển đại học, cháu trai tôi gọi điện nhờ tôi thuyết phục mẹ nó. Nó muốn học chuyên ngành triết học, nhưng mẹ nó kiên quyết không đồng ý, bắt nó phải học luật. Sau đó, tôi đã nói chuyện với chị gái tôi, điều chị ấy nói nhiều nhất là "chị làm thế vì muốn tốt cho thằng bé thôi".

"Học triết thì có ích gì chứ?".

"Học luật mới có tương lai, làm luật sư, vào tòa án, công việc ổn định!".

Vì muốn tốt cho con, chúng ta "kiểm soát" chúng mọi thứ, từ việc học ngành gì, thi vào đâu, thậm chí là kết bạn với ai.

Thật lòng khuyên cha mẹ đừng nói 5 câu này với con nữa, để lại tổn thương sâu không lường được đâu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nhà tâm lý học Lý Tuyết từng viết: "Nếu cha mẹ dùng tất cả nhận thức của mình để giáo dục con cái, trong trường hợp tốt nhất, con cái cũng không vượt qua được cha mẹ; nếu cha mẹ tôn trọng tâm hồn, cá tính của con cái, chỉ quan tâm, đồng hành, không quấy rầy, con cái tự nhiên sẽ trở thành kỳ tích trong mắt mọi người. Để nuôi dưỡng một thiên tài rất dễ dàng, chỉ cần cha mẹ đừng cố gắng dạy dỗ đứa trẻ bằng tâm trí cứng nhắc và tự cho mình là đúng".

Việc buông bỏ "sự kiểm soát", tôn trọng sở thích và nhịp độ phát triển của trẻ, để trẻ được là "chính mình" và tỏa sáng bằng ánh sáng riêng của mình thực sự là có lợi cho trẻ.

5. "Nhìn con nhà người ta rồi tự nhìn lại con xem!"

Nhiều trẻ em Á Đông lớn dưới cái bóng của "con nhà người ta", từ nhỏ chúng đã phải thường xuyên nghe cha mẹ nhắc đến nhân vật trong truyền thuyết này.

Một cậu bé 9 tuổi từng sáng tác bài hát I'm Just a Child, bày tỏ lên tiếng lòng của biết bao đứa trẻ: "Tiểu Minh nhà cô hàng xóm lại thi cuối kỳ được hạng nhất/ Cháu của bà Vương đã có chứng chỉ piano cấp 10/ Con trai đồng đội của bố tôi nói tiếng Anh siêu đỉnh/ Con gái đồng nghiệp của mẹ tôi nhảy rất giỏi/ Nghe những tin này tôi chỉ biết im lặng/ Những kỳ vọng của bố mẹ con đều hiểu trong lòng".

Cha mẹ vốn dùng "con nhà người ta" để khích lệ con cái của mình, nhưng sự thật là, "con nhà người ta" đó không mang lại khích lệ mà là một kiểu phủ định: "Con không làm được"/ "Con không bằng người khác", là sự khước từ, sự không công nhận từ những người thân yêu nhất.

Cuốn sách tâm lý trẻ em Children: The Challenge viết: Trẻ em cần được khích lệ, cũng như cây cần nước. Nếu không được khích lệ, tính cách của trẻ không thể phát triển khỏe mạnh và trẻ sẽ không cảm thấy mình thuộc về nơi đâu. Khích lệ trẻ em là một quá trình liên tục, tập trung vào việc mang lại cho chúng lòng tự trọng và cảm giác thành tựu.

Chỉ bằng cách nhận ra sức sống của trẻ, nhìn thấy nhu cầu của trẻ và khích lệ "lòng tự trọng" của trẻ thì điều đó mới thực sự tốt cho trẻ.

Theo Thiên An

Thanh niên Việt

Trở lên trên