Thất nghiệp bất ngờ, người trẻ “sốc” khi khoản nợ vay mua nhà đè nặng: "Nếu không thể cầm cự, tôi sẽ phải bán nhà"
Bất ngờ nhận mail thông báo chậm lương, dừng công việc, người trẻ như rơi vào "vực thẳm" khi khoản nợ vay mua nhà luôn hiện hữu trước mặt. Áp lực hơn khi mức lãi suất thả nổi đang đẩy mức nợ phải trả tăng cao.
Thu nhập 30 triệu/tháng, đang độc thân, chưa kể khoản tiền tham gia jobs ngoài, tất cả điều kiện đó khiến Mạnh Vũ (Hà Nội) quyết định mua căn hộ chung cư trị giá 2 tỷ đồng vào đầu năm 2022, đánh dấu sự nỗ lực ở ngưỡng tuổi 27. Mục tiêu trong kế hoạch tài chính đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Vũ xác định đây là một khoản vừa để ở, vừa để tích sản, vừa là cách để tiết kiệm tiền.
Về tài chính, Vũ vay 1 tỷ đồng ngân hàng. 1 tỷ đồng còn lại đến từ khoản tiết kiệm nhiều năm đi làm, bố mẹ hỗ trợ. Vũ chỉ vay 100 triệu đồng từ bạn bè để làm nội thất. Vũ tính toán, với 1 tỷ đồng vay ngân hàng, mỗi tháng anh chỉ phải trả khoảng 11-12 triệu đồng/tháng cả gốc và lãi. Với mức lương 30 triệu đồng, Vũ tự tin có thể vừa trả nợ, vừa dư khoản tiền sống thoải mái.
Thế nhưng, cách đây chưa đầy 1 tuần, chính xác vào ngày 31/1/2023, Vũ nhận được mail thông báo: Công ty sẽ nợ lương tháng 1 và đứng trước nguy cơ phá sản.
“Chỉ mới cách đó 2 ngày, tôi với đồng nghiệp đi du xuân. Thưởng Tết, chúng tôi mới nhận. Chúng tôi còn háo hức cho một năm mới, quyết tâm chăm chỉ làm việc để kiếm tiền. Thế nhưng, không ai có thể nghĩ rằng, đến hiện tại, chúng tôi sẽ chưa thể nhận lương của tháng 1 và không có việc vào tháng 2”, Vũ than thở.
Vũ cho biết, áp lực trả gốc lãi khoản nợ vay mua nhà khiến anh cảm thấy căng thẳng. Nhất là khi bước sang tháng 2, lãi suất ưu đãi sẽ chuyển sang thả nổi với mức 13,8%/tháng. Tức mỗi tháng, Vũ phải trả khoảng gần 18 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi.
“Bán nhà thì cũng dở mà nhìn khoản nợ lãi vay phải trả càng thấy hoảng. Vẫn biết kinh tế năm nay khó khăn nhưng không tưởng tượng được, khó khăn lại đến sớm vậy. Suy thoái kinh tế đã thực sự gõ cửa”.
Hiện tại, Vũ cho biết, anh đang nhờ bạn bè giới thiệu công việc và tìm kiếm thông tin trên mạng. “Nghỉ 1 ngày, 1 tuần hay 1 tháng, càng nghỉ lâu, càng lo”, Vũ nói thêm.
Dù chưa rơi vào cảnh chậm lương hay đứng trước ngưỡng thất nghiệp, nhưng Minh Nguyệt (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đang loay hoay với khoản tiền nợ nhà. Nguyệt mua căn hộ tại dự án Iris Garden trên trục đường Trần Hữu Dực, (Mỹ Đình, Hà Nội) năm 2020 với giá 2,3 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Nguyệt gánh nợ là 1,5 tỷ đồng trong đó có 800 triệu từ phía ngân hàng.
Đến đầu năm 2022, Nguyệt quyết định nhảy việc với kỳ vọng tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn với mức thu nhập cao. Thế nhưng, khi chuyển sang công ty mới 3 tháng, dự án mà Nguyệt tham dự bị đóng. Mức lương thoả thuận như ban đầu từ 18 triệu xuống 12 triệu. Đến đầu năm 2023, công ty ban hành chính sách cắt giảm nhân sự.
“Thú thực tôi lúc nào trong trạng thái lo sợ nằm trong diện cắt giảm nhân sự. Tiền nợ nhà luôn đè nặng trên vai. Nếu nghỉ việc, tôi chưa biết sẽ phải xin công việc mới như thế nào vì bên nào cũng đang cắt giảm. Chưa kể, thu nhập thấp, tôi đã phải bán thêm hàng online để duy trì phí sinh hoạt. Không chỉ cắt giảm nhân sự, bên tôi đã có chỉ thị cắt giảm lương”, chị Nguyệt cho hay.
Căng thẳng, áp lực… là những gì mà người trẻ chưa có vốn tích luỹ dầy đã quyết định mua nhà đang phải gánh chịu, trong thời điểm lãi suất ngân hàng tăng. Áp lực hơn đó là việc cắt giảm nhân sự từ phía công ty và giảm lương. Mọi dự tính trong kế hoạch tài chính cá nhân đã không thể như dự định.
Người trẻ trở nên hoang mang khi thiếu đi nguồn thu nhập đang bấp bênh, trước bài toán tài chính mua nhà đang phải gánh.
“Nếu không thể cầm cự, tôi sẽ phải bán nhà”, đó là chia sẻ của anh Vũ khi nói về tình huống xấu nhất. Bởi anh Vũ cho hay: “Năm nay kinh tế thực sự khó khăn. Không phải bên nào cũng cần tuyển người”.
Bàn về câu chuyện người trẻ mua nhà, Shark Hưng từng chia sẻ rằng, người trẻ nếu sở hữu nhà quá sớm, vay vốn quá nhiều sẽ có rất nhiều rủi ro.
Theo Shark Hưng, nếu nguồn tài chính chưa đảm bảo mà sở hữu nhà quá sớm thì cả phần đời còn lại sẽ dành chủ yếu để đi trả nợ. “Khi nguồn thu nhập không thay đổi mà gánh nặng trả nợ quá cao, đồng nghĩa với việc đòn bẩy tài chính vượt quá xa năng lực tài chính của bản thân, dẫn đến việc các bạn không còn tiền để tận dụng các cơ hội đầu tư khác”, Shark Hưng cho biết.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp gặp khó, thực hiện chính sách sa thải nhân sự, cắt giảm lương, những người mua trẻ càng đứng trước thách thức lớn trong bài toán trả nợ.
Nhịp sống thị trường