MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng

Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến thị trường lao động rơi vào trạng thái biến động khó lường, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng mạnh.

LTS: Chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay, gần 1,2 triệu người thất nghiệp và khoảng 1,1 triệu người thiếu việc làm, thu nhập bình quân của người lao động giảm 226.000 đồng/tháng.

Dự báo, những con số này tiếp tục gia tăng do làn sóng dịch chuyển lao động tự phát cuối tháng 7 vừa qua đã lên đến hơn 100.000 người và 50.000 người khác đã được các tỉnh, thành đón về quê, trong khi nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Làm sao để đảm bảo việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh và làm thế nào để người bị mất việc, ngưng việc có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đẩy lùi? Đây là nội dung được đề cập trong loạt bài “Giữ việc làm cho lao động trong và sau đại dịch”.

Bài 1: Thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng

Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đã không chỉ lấy đi việc làm, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều lao động tự do trong khu vực phi chính thức, mà còn khiến cuộc sống của những lao động trong khu vực chính thức như: Giáo viên mầm non, hướng dẫn viên du lịch, lái xe, công nhân … rơi vào cảnh mất việc, nhận hỗ trợ của Nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường lao động. Chính phủ một lần nữa phải thực hiện quyết liệt các biện pháp giãn cách, cách ly khoanh vùng dập dịch khiến thị trường lao động rơi vào trạng thái biến động khó lường. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên bắt buộc phải cắt giảm lao động. Do vậy tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng mạnh.

Cụ thể, Quý 2/2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,2 triệu người, tăng hơn 87.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,62%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,36%. Số lao động thiếu việc làm là 1,1 triệu người, tăng hơn 173.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, những con số thống kê phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng thời gian qua. Kết quả lao động việc làm Quý 2 cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan.

“Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với trước. Những khó khăn này chính là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành mục tiêu kép - vừa phát triển kinh tế, vừa chiến thắng dịch bệnh”, ông Nam nói.

Dịch bệnh với biến chủng mới đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi sử dụng lực lượng lao động lớn của cả nước, tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu, như: thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch…. Đã có hơn 70.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường.

Thời điểm này, có 90% doanh nghiệp du lịch không hoạt động, 10% hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác. Vận tải, hàng không giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020…

Bà Nguyễn Thị Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lan- đơn vị kinh doanh vận tải ở tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sau gần 2 năm hoạt động cầm chừng, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến cho công ty rơi vào cảnh phải cắt giảm các chuyến xe, bù lỗ và hơn một nửa số lao động phải nghỉ việc, hoặc chậm trả lương.

“Trước dịch Covid-19, chúng tôi có 340 xe hoạt động, nhưng trong dịch xe không hoạt động là 198, xe dừng hoạt động là 66%. Tình hình lao động, trước dịch là 680 người và trong dịch lao động nghỉ việc là 400 người. Về lương bình quân người/tháng: Trước dịch là 7,5 triệu người/tháng và trong dịch tính cả phụ cấp là 6,1 triệu đối với người đang làm việc. Về tình hình kinh doanh, so với trước khi có dịch là giảm 69%”, bà Thọ cho hay.

Đối mặt với dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hơn, sớm hơn những thách thức mà thị trường lao động Việt Nam phải nỗ lực để vượt qua. Đại dịch không chỉ tác động tới thị trường lao động khiến số lượng và chất lượng việc làm bị giảm sút, mà còn làm thay đổi cả phương thức làm việc cũng như tạo sự dịch chuyển mạnh mẽ trên thị trường lao động, từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức.

Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 3 và những tháng tiếp theo nên không chỉ việc làm của người lao động mà nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Do vậy, cùng với việc giữ chân người lao động trong điều kiện dịch bệnh, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ, đào tạo để người lao động quay lại thị trường khi dịch được kiểm soát, đẩy lùi.

Mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập… Thực tế này chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến đời sống và việc làm của người lao động gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Vậy làm sao để giữ việc làm cho người lao động trong điều kiện dịch bệnh và làm thế nào để người mất việc, bị ngưng việc có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động khi dịch Covid-19 được kiểm soát? Đây là vấn đề được chúng tôi đề cập đến trong bài viết thứ 2 với nhan đề: Lo trước để khỏi lo sau./.

Theo Hà Nam-Kim Thanh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên