MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp tuổi 35, phụ nữ phải làm gì?

20-09-2017 - 10:39 AM | Xã hội

Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị sa thải hoặc tự bỏ việc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, hiện nay đang xảy ra tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, trong đó phần lớn là lao động nữ. Kết quả khảo sát ở một số khu công nghiệp cho thấy có tới hơn 80% phụ nữ trên độ tuổi 35 làm việc trong các khu công nghiệp phải buộc nghỉ việc hoặc bỏ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Cũng theo báo cáo, hiện nay chất lượng lao động nữ còn chưa ổn định, thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững không cao.

Nhiều doanh nghiệp đang sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: “Vấn đề này Chính Phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp can thiệp bảo vệ người lao động, đặc biệt là lao động nữ”.

Nói về vấn đề này, ông Đào Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Việc cho lao động trên 35 tuổi nghỉ việc đang diễn ra tại các dây chuyền sản xuất đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng cao, nhưng lại không yêu cầu tay nghề. Việc tuyển lao động trẻ đáp ứng được yêu cầu sản xuất của công ty tốt hơn do nhóm lao động này có sức khỏe tốt, khả năng chịu đựng sức ép công việc cao. Ngoài ra, mức lương trả cho lao động trẻ cũng thấp hơn, do đó giảm mức đóng hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp giảm chi phí về lao động. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi khiến các doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động”.

Theo ông Vinh, vấn đề sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ tác động lớn tới các vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Cụ thể trong quý 2/2017, cả nước có 218.999 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 113,9% (116.632 người) so với cùng kỳ năm 2016. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần có các biện pháp để nghiên cứu và đưa ra giải pháp. “Người lao động cũng cần tự trang bị cho mình những kỹ năng, tay nghề cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và sự chuyển biến của nền kinh tế, xã hội.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, giới chủ sử dụng lao động cũng cần thực hiện nghiêm các quy định về luật lao động. Không chỉ tuyển dụng, trả lương, đãi ngộ theo đúng quy định mà doanh nghiệp còn cần có trách nhiệm trong việc bồi dưỡng tay nghề để người lao động có thể thích nghi với những thay đổi của doanh nghiệp. Cần có chính sách hỗ trợ người lao động trong nguy cơ thất nghiệp thông qua các quỹ để đào tạo, tạo việc làm mới… Đồng thời, cơ quan chức năng thanh kiểm tra và có chế tài xử phạt với doanh nghiệp vi phạm trong việc đóng bảo hiểm xã hội, sa thải lao động trái luật; đồng thời tăng cường vai trò công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động”, ông Vinh cho biết thêm.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội hiện nay. Về lâu về dài, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Những đối tượng này sau khi mất việc thường rất khó để tìm việc làm mới tại các khu vực có quan hệ lao động./.

Theo kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% người lao động làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ gia đình, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên