Thâu tóm Shop&Go, Vingroup muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ
Ngày 2-4, thông tin Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, thành viên Vingroup và là đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+, mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống với giá "sốc" 1 USD trở thành chủ đề nóng của giới kinh doanh.
- 31-03-2019Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ
- 29-03-2019Doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt trên 910.000 tỷ đồng trong quý 1
- 26-03-2019Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bán lẻ bắt đầu từ đâu?
Theo thông tin VinCommerce phát ra, thương vụ chưa từng có trong lịch sử ngành bán lẻ Việt Nam được xuất phát từ chính đề nghị của đơn vị chủ sở hữu chuỗi này. Cụ thể, chính chủ sở hữu chuỗi Shop&Go đã chủ động đề nghị nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho VinCommerce với giá "tượng trưng" 1 USD.
"Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui" - vị đại diện này nói về quyết định "tặng" lại 87 cửa hàng cho VinCommerce tiếp tục đầu tư, phát triển.
Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, VinCommerce tiếp tục dẫn đầu thị trường bán lẻ về quy mô độ phủ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.
Giới kinh doanh bán lẻ cho rằng việc VinCommerce trị giá chuyển nhượng 1 USD chỉ là cách làm thương hiệu theo thỏa thuận của 2 bên, trên thực tế VinCommerce mua toàn bộ nguồn cung cấp chưa thanh toán của Shop&Go. Việc công ty con của Vingroup lần lượt thâu tóm một số chuỗi bán lẻ như Vinatexmart, Oceanmart, Maximark, Fivimart và bây giờ là Shop&Go cho thấy quyết tâm phát triển mạng lưới để chiếm thị phần, mặc dù hiện tại, các chuỗi bán lẻ Vinmart, Vimart+ còn cách khá xa một số nhà bán lẻ dẫn đầu về doanh số.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, nếu cách đây 10-15 năm, các doanh nghiệp đầu tư bán lẻ chỉ tính toán quy mô vừa đủ đối với họ thì hiện nay, những ông chủ tập đoàn tư nhân Việt Nam bắt đầu làm ăn lớn bởi chi phí quản trị hệ thống trên từng đơn vị thấp hơn so với làm nhỏ.
"Trên thị trường, cạnh tranh không có khái niệm vừa đủ mà chỉ có tồn tại hay không tồn tại. Shop&Go trực thuộc công ty mẹ chuyên về bất động sản trong khu vực Đông Nam Á, cửa hàng tiện lợi Shop&Go là mô hình lấn sân sang mảng bán lẻ và họ đã không thành công. Nếu rút lui khoảng 3 năm trước, Shop&Go vẫn có thể lãi hoặc hòa vốn nhưng ra khỏi thị trường trong thời điểm này thì phải chịu lỗ. Đây cũng là một bài học cho các start-up, cần chọn đúng thời điểm thâm nhập và thoái lui để có lợi nhất. Doanh nhân Lý Quí Trung đã lãi to khi bán lại chuỗi cửa hàng Phở 24 là một dẫn chứng.
Cũng theo ông Quang, thâu tóm các chuỗi nhỏ mang lại cho Vingroup 2 lợi ích lớn là tăng độ phủ thị trường, tăng thị phần. Với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, tăng độ phủ hệ thống, nhiều khả năng Vingroup sẽ tiếp tục thâu tóm các chuỗi cửa hàng nhỏ, nếu có cơ hội. "Nguyên tắc của hệ thống bán lẻ thành công là độ phủ, sự hài lòng của khách hàng. Vingroup đang trong giai đoạn tập trung phát triển độ phủ. Họ cũng đang tiếp tục phân tích tiềm năng bán lẻ, cạnh tranh bán lẻ và sự hài lòng của khách hàng, cấu trúc sản phẩm, quy mô các lĩnh vực đầu tư. Thị trường bán lẻ vẫn trên đà tăng trưởng, còn nhiều mô hình chưa được khai phá" - ông Quang nhận xét.
Người lao động