MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi nhanh để đón sóng FDI

Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Sau đại dịch COVID-19, một làn sóng đầu tư mới đang đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Cơ hội rộng mở đi kèm khó khăn lớn

Chia sẻ về kế hoạch “dọn ổ đón đại bàng” của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong 3 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư của các DN FDI, Nghệ An đã có hàng loạt đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Trung, từ năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Để làm được điều này, Nghệ An đã có một kế hoạch chi tiết sẵn sàng về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư với 30.000 lao động đã qua đào tạo hàng năm với hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với sự tham gia của 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề. Cùng đó, tỉnh thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “một cửa tại chỗ”, “một đầu mối”. Các sở ngành cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thu hút được nhiều DN FDI nhưng DN Việt nhiều năm chưa cung ứng được sản phẩm theo yêu cầu, chưa tạo ra cuộc “hôn nhân” thật sự để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu… là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TPHCM diễn ra mới đây.

Theo khảo sát từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện tỷ lệ cung ứng nguyên liệu, linh kiện nội địa của Việt Nam mới đạt 37,4%, thấp hơn các nước khác trong khu vực. “Muốn thu hút các dự án đầu tư mới, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cần thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, ông Nobuyuki Matsumoto nói.

Theo ông Lộc, DN Việt nhiều năm qua rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI do không tự chủ việc cung ứng các nguyên liệu vật tư, phụ tùng cần thiết. Dù liên tục tìm kiếm công khai nhưng có thực tế là các DN FDI rất khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam do bản thân các nhà cung ứng của Việt Nam không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết. Bên cạnh đó, DN Việt còn phải nhập phần lớn các nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài đồng thời thiếu những công nghệ cần thiết để có thể trở thành nhà cung ứng cho DN FDI.

“Người ta nói nhiều đến nền kinh tế 2 tốc độ, ở Việt Nam chính là tốc độ của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Hai tốc độ này không bắt nhịp được với nhau và chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các DN trong nước với DN FDI để cùng tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nhận định làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam là cơ hội rất lớn, tuy nhiên ông Leif Schneider - Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khẳng định, Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là điểm yếu cố hữu về nhân lực như: trình độ học vấn, kỹ năng của người lao động tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc. Thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo.

Tập trung xử lý việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu

Cần phải giải quyết được câu chuyện ổn định trong chất lượng linh kiện, khuôn mẫu, làm sao phải giảm được phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tự chủ nguồn cung trong nước là ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến câu hỏi: Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả nhất.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, dù có sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp FDI, nhưng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng kéo theo các doanh nghiệp sản xuất, nhất là nhóm doanh nghiệp FDI vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, mỗi khi chuỗi cung toàn cầu bị gián đoạn, kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng đình trệ vì thiếu hụt nguồn cung ứng. Vì vậy, cần đẩy nhanh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản cùng với việc mở rộng đầu tư, cũng đang xem xét làm thế nào để đa dạng hoá chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Theo Hương Chi - Uyên Phương

Tiền Phong

Từ Khóa:
fdi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên