MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi nhiều quy định kinh doanh vận tải ô tô

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp thực tế phát sinh, thông lệ quốc tế (đặc biệt là Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2015).

Siết chặt ô tô kinh doanh vận tải

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung một số quy định mới mà Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định, như: Cấm tài xế ô tô sử dụng điện thoại di động; Phải thắt dây an toàn cho cả người ngồi trong ô tô có trang bị dây an toàn; quy định cấp bằng lái ô tô quốc tế…Bộ GTVT cũng đề xuất quy định tuổi lái xe đạp điện; quy định sát hạch, cấp bằng lái xe điện (ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện…).

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung các quy định về quản lý phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng khoa học công nghệ (như xử phạt nguội) trong kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm giao thông đường bộ; Thu phí sử dụng đường bộ tự động; Siết quy định về kiểm soát khí thải…

Với kinh doanh vận tải bằng ô tô Bộ GTVT đề xuất nhiều thay đổi so với quy định hiện hành. Một số đề xuất thay đổi đáng chú ý như: Bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải; Điều chỉnh, phân loại lại các loại hình kinh doanh vận tải; Bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải…

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, luật hiện hành phân chia loại hình vận tải thành 5 nhóm (kinh doanh xe khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt). Quy định này dẫn tới một số hạn chế trong quản lý nhà nước, đặc biệt là quản “xe dù, bến cóc”, xe chở khách trá hình (như hình thức xe khách limousine). Trong khi đó, một số hình thức kinh doanh vận tải mới xuất hiện, gây nhiều tranh cãi trong xác định loại hình, chủ thể kinh doanh như Grab, Easy taxi, Live taxi…

Bộ GTVT đề xuất, bổ sung quy định nhận diện giữa phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải thông qua màu biển số hoặc màu tem đăng kiểm. Ông Thọ phân tích, nếu sử dụng màu biển số sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, xử lý tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải hiện nay.

Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí mỗi khi đổi mục đích sử dụng xe (phải đổi biển số, chi phí đổi biển 150 nghìn đồng/lần/xe). Bộ GTVT đề xuất chọn phân biệt xe kinh doanh qua màu tem đăng kiểm.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Bộ GTVT cần làm rõ hơn về đề xuất đổi màu biển hoặc màu tem đăng kiểm giữa xe kinh doanh và không kinh doanh. Đặc biệt phải nói rõ lợi ích mang lại so với chi phí và sự phiền hà người dân phải chịu đựng. Vì hiện tại các quy định với xe kinh doanh không thiếu, còn nếu đã "lách" thì dù có màu biển, màu sơn mà xử lý không nghiêm, "bảo kê" thì nhốn nháo vẫn xảy ra.

Vị chuyên gia này cũng không đồng tình với việc bổ sung chứng chỉ hành nghề với lái xe kinh doanh. Vì ý thức tài xế, chất lượng tay lái có thể thông qua xử phạt nghiêm minh, siết chặt đào tạo và sát hạch bằng lái thay vì bị buông lỏng, hay tiêu cực như thời gian qua.

Bộ GTVT dự kiến trình Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm, và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2021.



Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên