Thay đổi nhiều vấn đề lớn trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Tiếp thu ý kiến ĐBQH về bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
- 12-06-2017Quốc hội thảo luận vòng hai về chính sách mới xử lý nợ xấu
- 11-06-2017Hôm nay (12/6), Quốc hội tiếp tục bàn về nợ xấu
- 08-06-2017Ông Nguyễn Duy Hưng chỉ ra 4 nút thắt chính trong xử lý nợ xấu
- 08-06-2017Xử lý nợ xấu: Cần báo cáo kết quả thực hiện hàng năm thay vì chỉ 1 lần
Chiều nay 12/6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về thời hạn của Nghị quyết, nhiều ý kiến nhất trí với thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm. Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết này có hiệu lực trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14; một số ý kiến đề nghị thời hạn của Nghị quyết đến năm 2020 để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế (giai đoạn 2016-2020).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận để bảo đảm cho quá trình triển khai được hiệu quả, Nghị quyết cần có thời gian đủ dài để các chính sách mới được thực thi trong thực tiễn, do đó đề nghị Quốc hội cho phép thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm như đề nghị của Chính phủ.
Áp dụng Nghị quyết không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức
Trong đó, đáng chú ý nội dung một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiện đã được pháp luật quy định đầy đủ và đã được bổ sung trong nguyên tắc xử lý nợ xấu quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bổ sung ý kiến không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan ngoài chủ nợ và người gửi tiền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung về các nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định các nguyên tắc có liên quan đến các chủ thể trực tiếp trong xử lý nợ xấu, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan được thể hiện cụ thể trong các điều của dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016. Một số ý kiến đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội theo 2 phương án thể hiện như trong dự thảo Nghị quyết để xem xét, quyết định.
Cho phép bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ
Về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường, một số ý kiến đề nghị việc bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ nên thực hiện theo phương thức đấu giá để bảo đảm công khai minh bạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo như sau: Khoản 1 Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm; trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Như vậy, việc cho phép áp dụng các phương thức khác nhau trong xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác (như Luật Đấu giá tài sản) sẽ bảo đảm hiệu quả xử lý nợ xấu nhanh với chi phí xử lý phù hợp.
Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH về bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý Điều 5 dự thảo Nghị quyết như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”.
Việc thu giữ TSĐB không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân
Về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án. Cần làm rõ phạm vi tranh chấp trong dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết bổ sung tại khoản 8 Điều 7 như sau: "Việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự”. Việc xác định phạm vi tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Điều 22 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Theo quy định tại Nghị quyết, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 7 theo hướng minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao tài sản bảo đảm và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở.
Về ý kiến đề nghị quy định TCTD và VAMC cần trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm mà không được ủy quyền hoặc thuê các công ty dịch vụ đòi nợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu và thể hiện theo hướng bên cạnh việc tự thực hiện thu giữ, TCTD chỉ ủy quyền việc thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD bán nợ.
Dự án BĐS chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được thế chấp?
Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, một số ý kiến cho rằng dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được thế chấp, chỉ nên cho phép bán dự án bất động sản đủ điều kiện.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật hiện hành cho phép thế chấp, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Theo quy định tại Điều 148 của Luật Nhà ở năm 2015, VAMC và TCTD được nhận thế chấp dự án bất động sản khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi khách hàng không trả được nợ, về nguyên tắc, VAMC và TCTD được quyền xử lý tài sản bảo đảm đã nhận thế chấp hợp pháp. Việc chuyển nhượng các dự án bất động sản sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Do vậy, nếu yêu cầu VAMC,TCTD đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo khoản 1 và khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì VAMC và TCTD không thể xử lý, chuyển nhượng nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”. Việc quy định như dự thảo Nghị quyết là phù hợp và cần thiết để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, góp phần thu hồi tối đa giá trị tài sản bảo đảm, xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án bất động sản.
Sẽ không miễn thuế, phí khi thu hồi nợ xấu
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định miễn thuế, phí để phù hợp với nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 15 về miễn thuế, phí khi thu hồi nợ xấu. Đồng thời, chỉnh lý lại Điều 15 theo hướng khẳng định rõ trách nhiệm của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.