MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ động thái Saudi Arabia giảm giá bán dầu mỏ sang Châu Á?

14-09-2021 - 13:35 PM | Thị trường

Thấy gì từ động thái Saudi Arabia giảm giá bán dầu mỏ sang Châu Á?

Saudi Arabia mới đây đã thông báo giảm giá bán dầu thô giao trong tháng 10 cho các khách hàng Châu Á, với mức giảm nhiều hơn dự kiến, một dấu hiệu rõ rệt cho thấy nhu cầu dầu ở khu vực nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới vẫn còn trì trệ.

Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia, cho biết giá bán chính thức (OSP) dầu thô Arab Light chuẩn của nước này cho các khách hàng châu Á sẽ giảm 1,30 USD/thùng xuống còn +1,7 USD/thùng so với giá dầu Oman và Dubai. Mức giảm này cao hơn nhiều so với dự đoán của thị trường (kết quả khảo sát của Reuters cho thấy những người tham gia vào thị trường dầu mỏ dự đoán mức giảm chỉ khoảng 20 – 40 US cent/thùng).

Điều đáng nói là Saudi Arabia giảm mạnh giá bán dầu sang Châu Á, nhưng vẫn giữ nguyên OSP giá dầu bán sang các thị trường Tây Bắc Âu và Mỹ như mức giá của tháng 9.

Châu Á chiếm khoảng 2/3 tổng xuất khẩu dầu của vương quốc này. Do đó, việc Aramco hạ giá dầu thô bán sang khu vực này có thể do một số yếu tố, trong đó có việc nhu cầu dầu trong khu vực hồi phục chậm, OPEC+ dần nới lỏng những hạn chế về lượng dầu xuất khẩu, và mong muốn của Saudi Arabia là giành lại thị phần ở Châu Á (trong những tháng gần đây, các nhà lọc dầu châu Á tăng cường mua hàng giao ngay từ Nga và các nhà sản xuất Tây Phi như Angola và Nigeria – giá rẻ hơn so với mua hàng có kỳ hạn từ các nhà sản xuất Trung Đông).

Nhu cầu dầu thô của châu Á phục hồi nhẹ trong tháng 8. Số liệu ước tính của Refinitiv Oil Research cho thấy nhập khẩu dầu thô của khu vực này tháng 7 ở mức 23,24 triệu thùng/ngày, tăng so với 22,61 triệu thùng/ngày của tháng 7.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù nhập khẩu vào Châu Á trong tháng 8 tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với hồi đầu năm nay, khi lượng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 đều đạt trên 24 triệu thùng/ngày, trong đó tháng 2 đạt 25 triệu thùng/ngày.

Nhập khẩu tháng 8 tăng là do Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước mua dầu thô lớn nhất trong khu vực chỉ sau Trung Quốc. Theo đó, nhập khẩu dầu thô vào Ấn Độ tăng lên 3,85 triệu thùng/ngày trong tháng 8 từ mức 3,55 triệu thùng/ngày của tháng 7, trong khi của Nhật Bản tăng lên 2,63 triệu thùng/ngày từ 2,08 triệu thùng/ngày và của Hàn Quốc tăng lên 2,64 triệu thùng/ngày từ 2,52 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Thấy gì từ động thái Saudi Arabia giảm giá bán dầu mỏ sang Châu Á? - Ảnh 1.

Riêng Trung Quốc – thị trường số 1 của Aramco, chỉ mua 9,51 triệu thùng/ngày trong tháng 8, giảm so với 9,75 triệu thùng của tháng 7, do thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này tiếp tục sử dụng lượng dầu dự trữ đã mua từ đợt giá rẻ hồi năm ngoái, và các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đứng ngoài thị trường do nhập khẩu hạn chế hạn ngạch.

Theo Refinitiv, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,7 triệu thùng/ngày từ Ả Saudi Arabia trong tháng 8, tăng so với 1,58 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Nhưng điều đáng chú ý là con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức luôn trên 2 triệu thùng/ngày trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc.

Việt Nam cũng có xu hướng giảm nhập khẩu dầu trong năm nay do nhiều yếu tố. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 4,56 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, giảm 15,2% về lượng và tăng 17,5% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2020; giá trung bình 554,3 USD/tấn, tăng 154 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước.

Với những thực tế như hiện tại, động thái giảm giá dầu cho Châu Á của Saudi Arabia rõ ràng nhằm vào nhiều mục đích, trong đó có việc khôi phục thị phần của mình ở Châu Á, nhất là 2 nước nhập khẩu dầu lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cả Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và Ấn Độ, nước nhập khẩu lớn thứ hai ở châu Á, hiện đều cho biết đang có kế hoạch bán dầu thô từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) – những thông điệp dường như có ý rằng giá dầu đã tăng quá mức mà họ mong muốn.

Thấy gì từ động thái Saudi Arabia giảm giá bán dầu mỏ sang Châu Á? - Ảnh 2.

Từ một góc nhìn khác, một số nhà phân tích quốc tế cho rằng việc Trung Quốc và Ấn Độ thông bán bán dầu dự trữ chiến lược cho thấy trò chơi "Mèo vờn chuột" giữa một bên là hai nhà nhập khẩu dầu lớn nhất châu Á và một bên là các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt cho khu vực này đã tiến thêm một nấc mới, và cho rằng tuyên bố của Trung Quốc có vẻ nghiêng về mục đích đưa ra thông điệp hơn là khối lượng sẽ bán, khi mà giá dầu Brent trên thị trường thế giới đã tăng 41,5% kể từ cuối năm ngoái và hiện được giao dịch quanh mức 73,5 USD/thùng.

Nguồn cung dầu toàn cầu đang tăng lên khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn được gọi là nhóm OPEC+) đang nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 8-12/2021.

Trái với sản lượng tăng, nhu cầu dầu thế giới có nguy cơ mất đà do Covid-19 bùng phát trở lại.

OPEC hôm 13/9 đã hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới quý 4/2021 xuống trung bình 99,7 triệu thùng/ngày, giảm 110.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước, do virus biến thể Delta, và cho rằng sự hồi phục kinh tế có thể sẽ bị hoãn lại đến năm 2022 mới đủ để giúp nhu cầu tiêu thụ dầu về lại mức cao hơn trước khi xảy ra đại dịch.

Bất chấp việc điều chỉnh giảm đối với quý 4, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới trong cả năm 2021 sẽ tăng 5,96 triệu thùng/ngày, hầu như không thay đổi so với con số đưa ra hồi tháng trước. Dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2022 được điều chỉnh lên 4,15 triệu thùng/ngày, so với 3,28 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng trước.

Theo OPEC: "Tốc độ phục hồi nhu cầu dự báo sẽ phải đến năm 2022 mới có dấu hiệu mạnh mẽ, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, đại dịch Covid-19 dự kiến ​​sẽ được quản lý tốt hơn và các hoạt động kinh tế và giao thông đi lại trở về mức trước khi xảy ra Covid-19.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên