MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ việc Red Bull bị tẩy chay?

Không chỉ doanh nghiệp có hành vi tiêu cực với xã hội chịu ảnh hưởng, nhiều đối tượng khác trong xã hội cũng phải chịu chung hậu quả từ các cuộc tẩy chay từ người tiêu dùng.

Mới đây, thương hiệu Red Bull bị người Thái kêu gọi tẩy chay toàn cầu do nhãn hàng này đang trở thành một biểu tượng bất bình đẳng tại Thái. Cháu trai nhà sáng lập bị buộc tội có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông làm chết một viên cảnh sát từ 8 năm trước, nhưng chỉ bị tạm giữ vài ngày, mới đây được tuyên bố xóa bỏ mọi cáo buộc. Điều này khiến người dân phẫn nộ, cho rằng chính phủ đã có sự đối xử "đặc biệt" với tầng lớp siêu giàu tại Thái. Hashtag #BoycottRedBull lan rộng trên mạng xã hội kể từ khi tuyên bố trên được đưa ra tới nay.

Trên thế giới, không ít doanh nghiệp đã từng "nếm mùi" bị cộng đồng tẩy chay. Tại Việt Nam, khoảng chục năm gần đây, người dân cũng ý thức được nhiều hơn về quyền từ chối mua của mình với doanh nghiệp. Họ kêu gọi việc tẩy chay sản phẩm khi phát hiện một doanh nghiệp có hành vi không tốt với sức khỏe cộng đồng, môi trường, xã hội.

Tuy nhiên, tẩy chay có thật sự là biện pháp hữu hiệu và ai thật sự chịu hậu quả sau đó?

Cách đây hơn 10 năm, Vedan đã chịu sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng vì không tuân thủ các quy định về môi trường, xả thải gây ô nhiễm nặng nề sông Thị Vải, ảnh hưởng tới sức khỏe, nguồn sống của nhiều hộ dân. Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố các vi phạm của Vedan, cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này. Một làn sóng phản đối, tẩy chay Vedan diễn ra từ các siêu thị lớn tới các tiểu thương nhỏ lẻ, người tiêu dùng, khiến công ty này buộc phải thay đổi, chấp nhận bồi thường hơn 200 tỷ cho 7.000 hộ dân.

Tuy nhiên, một trường hợp khác gần đây hơn chịu tẩy chay "oan" là nước mắm truyền thống. Báo cáo của Vinastas công bố rằng nhiều loại nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống nhiễm chất độc asen vượt ngưỡng cho phép. Ngay lập tức, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt đơn hàng bị trả về, siêu thị gỡ bỏ nước mắm khỏi kệ hàng. Các nhà khoa học đã "giải oan", khẳng định asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không gây hại. 

Như vậy, tẩy chay chỉ là biện pháp hữu hiệu khi người tiêu dùng có cái nhìn sáng suốt. Trước các thông tin gây bất lợi cho một doanh nghiệp, cần tìm nguồn thông tin chính thống để bản thân không trở thành một công cụ của việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, khiến doanh nghiệp trong sạch gặp khó khăn. Ngoài ra, hành vi tẩy chay không có căn cứ có thể khiến người tiêu dùng rơi vào "vòng lao lý" vì làm ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp.

Ai thật sự chịu thiệt hại sau cuộc tẩy chay?

Tác động tiêu cực không đơn thuần chỉ dừng ở doanh nghiệp. Nếu là một doanh nghiệp lớn, việc tẩy chay hàng hóa làm ảnh hưởng tới hình ảnh sản phẩm trên thị trường quốc tế, gây giảm thu từ hoạt động xuất khẩu. Với thị trường trong nước, giá các hàng hóa khác cùng loại có thể bị đẩy lên cao hơn, nhu cầu tiêu dùng lớn hơn bình thường, gây mất cân bằng thị trường. Khi giá hàng hóa các nhu yếu phẩm cao hơn, người chịu thiệt hại lớn nhất lại chính là người lao động nghèo. Hoặc họ buộc sử dụng sản phẩm chất lượng kém hơn, hoặc buộc phải bỏ ra nhiều tiền hơn.

Người lao động tại các doanh nghiệp bị tẩy chay cũng là nhóm người chịu thiệt hại. Ngoài ra, trước làn sóng đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nếu chịu sự tẩy chay không xác đáng từ người tiêu dùng, sẽ càng không thể có cơ hội cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên đất nước mình.

Tẩy chay không phải là biện pháp duy nhất

Theo The Wharton School of the University of Pennsylvania, tỉ lệ thành công của các chiến dịch tẩy chay thường không cao vì nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố số lượng người tham gia. Để chiến dịch tạo tác động tới doanh nghiệp, cần một số lượng rất lớn người tham gia, tức chiến dịch phải gây nên sự đồng cảm cho cả cộng đồng.

Cũng theo nghiên cứu của một giảng viên tâm lý học tại Eastern Michigan University, xuất bản trên Journal of Consumer Affairs, chỉ có 24 trên 90 chiến dịch tẩy chay từ 1970 – 1980 là có tác động thay đổi hành vi doanh nghiệp. Các chiến dịch có tổ chức, kế hoạch hơn để thu hút sự chú ý từ cộng đồng như kí đơn kiến nghị, gây áp lực từ báo chí lên doanh nghiệp,… sẽ có tỉ lệ thành công tốt hơn. Save Sơn Đoòng là một ví dụ cho cách làm thành công đó.

T.Hạnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên