MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thầy giáo đi…bán thẻ

21-09-2017 - 13:15 PM | Tài chính - ngân hàng

14 năm nuôi dưỡng ước mơ và hiện thực hóa, tôi đã tở thành nhà giáo. Nhưng đời không như là mơ, cuộc sống vốn chẳng dễ thở, đam mê không thể nuôi sống tôi qua ngày với đồng lương ít ỏi của giáo viên hợp đồng...

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Văn Nam - Trung tâm thẻ Sacombank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

-------------------

Lớn tại một vùng núi hẻo lánh tại Tây Nguyên, như bao bạn bè đồng trang lứa, từ khi ngồi ghế nhà trường luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà giáo tương lai, là người trèo thuyền đưa những hàng khách bé bỏng.

Vì ước mơ này và niềm đam mê với khối C, tôi chọn ngành Ngữ văn tại trường đại học Xã Hội Nhân Văn để thi, nhưng “chỉ” thiếu “có 1,5 điểm” thôi nên tôi trượt. Vẫn không từ bỏ ước mơ, tôi nộp hồ sơ vào khoa Ngữ văn của một trường đại học nhỏ bé ít ai biết đến là Đại học Văn Hiến.

4 năm trải qua đời sinh viên xa nhà, vẫn ước mơ nóng hừng hực như ngày nào, ngày ra trường bạn bè còn mải mê thư giãn đi du lịch thì tôi vác hồ sơ đi “rải” tất cả các trường tôi biết, thật may mắn khi trường gần nhà “chịu” nhận tôi làm giáo viên hợp đồng.

Hẳn nhiều người sẽ hỏi, “Ơ, vậy sao bạn lại ở đây và viết về nghề ngân hàng?”

Vâng, sự thực là ước mơ 14 năm chỉ dập tắt trong vài tháng ít ỏi, làm trong ngành tôi mới hiểu được rằng “đời không như mơ, cuộc sống vốn chẳng dễ thở”, đam mê không thể giúp tôi sống qua ngày với đồng lương của giáo viên hợp đồng. Chỉ cần suy nghĩ tới việc sau này sẽ có gia đình và tôi chẳng thể lo nổi cho họ thì tôi quyết tâm từ bỏ, dù đam mê vẫn cháy bỏng.

Trở lại thành phố Hồ Chí Minh tôi thử sức đủ công việc, bắt đầu là làm bảo vệ, nghe có vẻ lạ nhưng nó là sự thật, với tấm bằng đại học trên tay các công ty bảo vệ sẵn sàng trao cho tôi các trọng trách cực kì quan trọng như: gác cửa, gác công ty và giữ xe... Làm được 30 ngày rồi nhận tháng lương đầu tiên tôi nghỉ không một chút luyến lưu. Sau đó là đủ thứ nghề, từ nhân viên chăm sóc khách hàng cho đến xe ôm…

Cơ hội của tôi cũng đến khi một ngày lướt trang tuyển dụng, và thấy ngân hàng Sacombank đang cần tuyển dụng cộng tác viên kinh doanh thẻ tín dụng. Tôi nộp đơn và được nhận ngay, ở đây tôi gặp một người thầy mà tới giờ tôi vẫn thần tượng và theo anh làm việc, anh đã dẫn dắt tôi và chỉ bảo tôi những điều nhỏ nhất về tài chính. Còn nhớ tháng đầu tiên cộng tác, tôi chỉ mở được 1 thẻ tín dụng, tháng lương chỉ vẻn vẹn 300 ngàn đồng. Một lần nữa tôi phải đấu tranh rằng liệu công việc này liệu có phù hợp với tôi hay không, vì tôi vốn được đào tạo không phải để làm ngân hàng, khi các anh chị nghe câu “nhà giáo đi bán thẻ” chắc hẳn không ít người phải cười mà xót xa.

Tôi đem tất cả băn khoăn chia sẻ thẳng thắn với sếp của mình và xin ý kiến, anh nhìn tôi và nói: “anh rất mến em, anh thấy em rất có tố chất và chăm chỉ, nếu em từ bỏ thì đáng tiếc lắm”. Nếu tại đây tôi từ bỏ như những lần trước có lẽ tới giờ tôi vẫn lang thang trong hành trình tìm việc làm của mình. Tôi đã chọn ở lại và cố gắng học, học từng chút một, tôi học từ những thứ giản đơn như phân biệt các loại thẻ, phân biệt các loại hồ sơ, rồi bù đầu suy nghĩ xem phải tìm khách hàng ở đâu? Câu hỏi đau khổ của một người bán dịch vụ mỗi khi thức giấc đó là “hôm nay, ai sẽ là khách hàng của tôi?”.

Vì không phải là dân chuyên về tài chính nên khi nhận hồ sơ tôi hay bị những thiếu sót nhỏ, có lần tôi phải chạy qua chạy lại cả một buổi sáng chỉ để lấy các chứng từ thiếu của khách hàng. Và cũng từ đó, đồng nghiệp và bạn bè thân thương gọi tôi bằng biệt danh “ngáo từ bé”, biệt danh ấy theo tôi tới giờ và đồng nghiệp dường như không còn ai gọi tôi là tên thật nữa.

Ngày đi làm tối về tranh thủ đọc sách về tài chính, tôi tâm đắc nhất cuốn “Đắc nhân tâm”, do Nguyễn Hiến Lê dịch, ở đấy tôi học được nhiều thứ, cách gây thiện cảm với khách hàng, nghệ thuật lắng nghe, nghệ thuât kiềm chế bản thân…và vô vàn những thứ quý giá. Cuốn sách dạy tôi thứ luôn luôn thiếu trong cuộc sống hiện đại đó là “sự lắng nghe”, nghề bán hàng bắt “chúng tôi” phải tranh thủ từng giây trao đổi qua điện thoại, từng giây gặp gỡ khách hàng để truyền đạt thông tin sản phẩm mình cần bán …

Ngoài đọc sách, tôi còn lướt các báo về tài chính để có thêm thông tin. Nhớ có lần một đồng nghiệp nói với tôi rằng: “nếu làm tài chính ngân hàng mà không đọc CafeF thì đã là một thất bại lớn rồi”, và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến CafeF. Nhưng thực sự lời bạn tôi nói không sai chút nào, nhờ truy cập vào đó mà tôi biết được rất nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến mình, biết được nhiều doanh nghiệp để đưa vào mục tiêu tiếp cận bán hàng của mình. Nói không quá, nhưng thực sự CafeF đã giúp tôi nâng tầm sale của chính mình, trước kia tôi không thể mơ rằng có ngày tôi được gặp những người giàu, thậm chí là rất giàu, rồi những lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn như Rạng Đông, Hòa Bình, Thế giới di động, Novaland, Thiên Long… vì tôi chỉ là một người bình thường, song tôi đã tiếp cận họ thành công, có cơ hội mời nhiều người trong top 200 người giàu nhất trải nghiệm dịch vụ của ngân hàng mình.

Qua thời gian tích lũy và những kinh nghiệm riêng tôi học được, tôi thấy rằng một người bán hàng thành công là một người chịu lắng nghe nhu cầu của khách hàng để tư vấn chứ không phải thao thao thuyên giảng về sản phẩm của mình. Tôi không còn chê sản phẩm của người khác là tệ mà khen nhiều hơn, khen một cách thành tâm, các cuộc gặp gỡ với khách hàng tôi không còn là người nói “xuyên thời gian” mà chỉ lắng nghe và lắng nghe, tôi muốn đặt câu hỏi gợi mở và nghe khách hàng nói…

Tiếp tục cố gắng theo đuổi và học hỏi để tiến bộ từng ngày, sau 6 tháng từ một “nhà giáo” tôi chuyển mình trở thành Best Seller top 1 Trung tâm thẻ Sacombank, tự xây dựng thương hiệu cho mình “ngáo có phong cách”, năm thứ 2, tôi được nhận làm Chuyên viên kinh doanh chính thức, được tổ chức chấp nhận việc tôi không có bằng chuyên ngành tài chính, sau tất cả cố gắng tôi đã được tổ chức chấp nhận, hạnh phúc muốn vỡ òa!...Tôi hiểu rằng “nghề chọn mình” là câu chuyện có thật!

Trần Văn Nam - Trung tâm thẻ Sacombank

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên