MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thầy giáo khiếm thị mang ánh sáng công nghệ tới cho hàng nghìn người cùng cảnh ngộ: "Cách ly xã hội" vì Covid-19, người thiếu may mắn nay có thể làm những điều tưởng như không thể

04-04-2020 - 08:17 AM | Sống

Những học sinh khiếm thị của thầy Ân giờ đây có thể lắng nghe những bản nhạc yêu thích tại nhà và hoàn toàn có thể tự làm được mà không cần nhờ hỗ trợ.

“Giờ tôi có thể tự mở được bài hát tôi yêu thích trên điện thoại, tự tìm kiếm được thông tin trên mạng mà không cần phải nhờ người nhà. Mong ước mấy chục năm nay của tôi đã trở thành hiện thực”.

Đó là chia sẻ của một học sinh cao tuổi của thầy giáo khiếm thị Nguyễn Đình Ân, Giáo viên tại Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị tại TP. HCM. Thiếu ánh sáng từ khi mới lọt lòng, chịu thiệt thòi từ nhỏ nhưng nay, người khiếm thị cao tuổi này có thể chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng, gõ được word và làm một số thao tác trên máy – điều tưởng như không thể trước đây.

Trong đợt cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19 này, học sinh của thầy Ân, những người khiếm thị, có thể lắng nghe các bản nhạc yêu thích tại nhà và hoàn toàn có thể tự làm được mà không cần nhờ hỗ trợ.

Hàng nghìn học sinh của thầy Đình Ân đã tìm được ánh sáng thông qua sự hỗ trợ của công nghệ để chủ động hơn trong cuộc sống, giảm bớt những khó khăn mà cuộc sống của người khiếm thị gặp phải.

Để có được thành quả đó, thầy Nguyễn Đình Ân đã trải qua một quá trình gian nan, có thể gọi là “khởi nghiệp” theo một cách rất riêng.

Mày mò con chữ nổi từ bé, 15 tuổi tìm đường lên Sài Gòn học tin học

Thầy giáo khiếm thị mang ánh sáng công nghệ tới cho hàng nghìn người cùng cảnh ngộ: Cách ly xã hội vì Covid-19, người thiếu may mắn có thể làm những điều tưởng như không thể  - Ảnh 1.

Quê ở miền biển Bình Thuận, cậu bé Nguyễn Đình Ân sinh ra đã không được thấy ánh sáng. Thiếu may mắn hơn những cậu bé khác cùng trang lứa nhưng Ân mày mò học con chữ theo cách riêng của mình. Cậu tham gia học tập tại các lớp dành cho người khiếm thị ở quê hương.

Năm 2004 khi 15 tuổi, Nguyễn Đình Ân vào học tại trường dành cho người khiếm thị tại TPHCM – trường Nguyễn Đình Chiểu.

“Lần đầu tiên trong đời, tôi được tiếp cận với vi tính. Tôi thấy rất hay. Với người khiếm thị, nếu chỉ dựa vào chữ nổi thì rất thiệt thòi. Tiếp cận với vi tính, người mù mới tiếp cận được thế giới bên ngoài”, thầy Ân chia sẻ.

Là người ham học hỏi lại yêu thích và thấy được lợi ích của vi tính, cậu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu say mê nghiên cứu những kiến thức liên quan đến máy tính. Và sau đó, khả năng tin học của cậu học sinh này được nhiều người trong trường biết đến.

Năm 2011, khi Nguyễn Đình Ân 22 tuổi, nhiều cơ sở giáo dục cho người khiếm thị đã mời chàng thanh niên khiếm thị giảng dạy.

Tiếp đó, thầy Ân tham gia học tại Đại học sư phạm TPHCM và vẫn tiếp tục dạy tại một số cơ sở, hội dành cho người mù. Năm 2018, thầy tốt nghiệp đại học và được mời về giảng dạy tại Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị TPHCM.

Xuất phát điểm không nhìn thấy ánh sáng và trải qua một quá trình phấn đấu không ngừng để vượt lên trên hoàn cảnh, thầy Ân thấy mình là người may mắn bởi ngoài kia, người mù rất lắm “cảnh đời”.

Được tiếp sức bởi những học sinh khiếm thị 2 giờ sáng bắt xe bus lên Sài Gòn để học dùng máy tính

Thầy giáo khiếm thị mang ánh sáng công nghệ tới cho hàng nghìn người cùng cảnh ngộ: Cách ly xã hội vì Covid-19, người thiếu may mắn có thể làm những điều tưởng như không thể  - Ảnh 2.

Trong suốt cuộc nói chuyện với thầy Ân, tác giả bài viết này nhiều lần thấy thầy nhắc đến từ may mắn. Bởi theo chia sẻ của thầy, người mù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Và trong số 2 triệu người mù trên toàn đất nước Việt Nam, biết bao người vẫn chưa được tiếp cận với vi tính cơ bản. Và thầy Ân thấy, việc chia sẻ kiến thức cho những người cùng cảnh ngộ làm thầy cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thầy Ân cũng là người tham gia dự án “Dạy tin học cho người mù”. Đây là chương trình giảng dạy tin học căn bản và nâng cao dành riêng cho người mù, do chính người mù biên soạn với sự tư vấn và giúp đỡ của các chuyên gia Microsoft. Dự án đã mang lại nhiều "phép mầu" cho nhiều người khiếm thị. Qua 2 năm, dự án đã đào tạo 18 lớp tin học căn bản và 6 lớp nâng cao cho 219 người mù ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Trong số những học trò tham gia dự án này, có nhiều trường hợp làm thầy Ân rất xúc động. Trong đó, có một học trò ở Tây Ninh.

Theo lời thầy Ân, học trò này lớn tuổi, lại không biết chữ và công việc thường ngày là bán vé số. Nghe tin có lớp học miễn phí cho người mù ở TPHCM, người học trò này dậy từ 2 giờ sáng để đến kịp xe bus tới TPHCM.

Hành trình của học viên này là 2h30 sáng bắt xe bus lên Củ Chi, sau đó bắt thêm một chuyến bus nữa tới công viên 23-9. Tiếp đó, học viên này bắt xe bus số 18 để đến Thư viện sách nói ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 để tham gia lớp học lúc 8 giờ sáng. Lớp học kết lúc lúc 11 giờ sáng và học viên này bắt xe bus trở lại Tây Ninh, khoảng 4 giờ chiều anh về tới nhà. Anh đã trải qua 3 tháng như thế!

“Do không biết chữ nên học viên này nghe âm thì vẫn thuộc nhưng không biết hình dáng chữ như thế nào, không biết ghép vần ra sao. Vì vậy, tôi dạy anh ấy các vần cơ bản và theo nhu cầu của anh ấy. Ví dụ, anh ấy thích nghe ca cổ thì dạy cách tìm kiếm bài ca cổ, bật lên như thế nào…”, thầy Ân kể.

“Có những gia đình có tới 4 người khiếm thị do di truyền. Và các thành viên thay phiên nhau đi học. Rồi hai vợ chồng mù cũng tìm tới lớp học”, thầy Ân kể.

Lớp học đa dạng như vậy, có người biết rồi sẽ chỉ cho người chưa biết, cùng dìu dắt nhau tới những “mảng sáng” của cuộc đời.

“Người mù thấy vi tính là ước ao nhưng đi lại rất khó khăn. Tôi mong muốn cơ hội dành cho tất cả mọi người. Ở TPHCM, người khiếm thị có điều kiện hơn: khoảng cách đến thư viện gần hơn, có cơ hội tiếp cận với công nghệ nhiều hơn. Ở các tỉnh xa, mọi thứ hạn chế hơn. Do đó, tôi mong muốn, năm 2020 sẽ đem chương trình giảng dạy xuống các tỉnh để dạy cho người mù. Học viên nào ưu tú sẽ được chọn để giảng dạy luôn”, thầy Ân chia sẻ.

Theo thầy Ân, trong giảng dạy cho người mù, việc tương tác từ xa sẽ không đạt hiệu quả cao. Lý do là người mù có ở mọi lứa tuổi, trình độ văn hóa còn hạn chế, nên việc dạy trực tiếp sẽ tốt hơn cho họ.

Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động dạy học tại Hướng Dương phải dừng lại. Việc dạy online cũng gặp khó khăn vì học sinh là khiếm thị. Thầy Ân chia sẻ, qua dịch bệnh, mong muốn của thầy là tiếp tục được thắp lên ngọn lửa tin học tới nhiều học trò khiếm thị hơn nữa.

Thầy giáo khiếm thị mang ánh sáng công nghệ tới cho hàng nghìn người cùng cảnh ngộ: Cách ly xã hội vì Covid-19, người thiếu may mắn có thể làm những điều tưởng như không thể  - Ảnh 3.

Thế Trần

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên