MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay vì cố gắng giảm thiểu, tìm cách thích nghi chính là giải pháp đột phá cho vấn đề biến đổi khí hậu!

19-10-2019 - 11:51 AM | Tài chính quốc tế

Tác hại của biến đổi khí hậu được quyết định nhiều bởi những gì người khác làm hơn là những gì bạn làm. Mỗi người đều có động cơ để bình thản trước sự hy sinh của người khác.

Sau những cơn bão kinh hoàng như Dorian, những người bị ảnh hưởng phải đưa ra quyết định. Họ có nên đầu tư vào một máy bơm để hút nước khỏi tầng hầm và một hệ thống thoát nước tốt hơn không? Họ có nên xây dựng lại với thiết kế và vật liệu mạnh mẽ hơn không? Họ có nên chuyển đi nơi khác không? Sự đánh giá sẽ phải dựa vào một thực tế phũ phàng: khí hậu sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Mực nước biển sẽ dâng cao hơn, mưa nhiều hơn và các cơn bão sẽ dữ dội hơn. Những người có điều kiện sẽ tự động thích nghi với những điều đó. Thích nghi là điều cần thiết để giảm thiểu chi phí kinh tế và nhân lực do biến đổi khí hậu. Nhưng chi tiêu cho việc thích nghi có thể làm phức tạp thêm tình hình chính trị vốn đã rất rối ren.

Những nỗ lực để làm chậm sự nóng lên toàn cầu phải vượt qua những trở ngại chính trị đầy phức tạp. Những lợi ích từ việc giảm thiểu sự biến đổi khí hậu cần phải tích lũy qua hàng thập kỷ và thế kỷ, trong khi chi phí phải bỏ ra cho việc cắt giảm khí thải đè nặng lên người đóng thuế - những người không thể mong sẽ thấy được thành quả trong suốt cuộc đời mình. Và việc giảm thiểu (như những nỗ lực hạn chế khí thải thường được gọi) phải hứng chịu một vấn đề luẩn quẩn mang tính tập thể.

Tác hại của biến đổi khí hậu được quyết định nhiều bởi những gì người khác làm hơn là những gì bạn làm. Mỗi người đều có động cơ để bình thản trước sự hy sinh của người khác. Việc cắt giảm khí thải buộc mọi quốc gia lớn làm phiền tới các cử tri nước mình với rất nhiều chi phí và sự bất tiện, trong khi việc này gần như mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người ở nơi khác, hoặc thậm chí chưa được sinh ra.

Ngược lại, sự thích nghi có thể gặt hái những lợi ích hiện hữu ngay cả khi một người hành động đơn lẻ và mang lợi ích cá nhân thuần túy. Chủ nhà đầu tư vào điều hòa không khí hoặc hệ thống chống lũ lụt với hy vọng giảm các thiệt hại có thể xảy ra, hoặc tăng thêm giá trị cho tài sản của mình. Không có vấn đề nào mang tính kinh tế chính trị để giải quyết ở đây. Các hành động của chính phủ chỉ phức tạp hơn một chút. Nó đòi hỏi sự đồng thuận về chính trị để chi tiền công cho việc củng cố cơ sở hạ tầng hoặc xây dựng các đập nước ngăn biển. Nhưng lợi ích chỉ chủ yếu được thấy rõ ở những địa phương được gây quỹ xây dựng. Và để làm được điều đó thì không chỉ vài chục hay một trăm, mà cần rất nhiều chính quyền và đơn vị cùng phối hợp.

Điều này đồng nghĩa với việc sự thích nghi đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cách mà con người phản ứng trước biến đổi khí hậu. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rằng giá đất nông nghiệp đã phản ánh tác động dự kiến của biến đổi khí hậu. Người tiêu dùng đã phản ứng với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Lượng mua hệ thống điều hòa tăng sau những đợt nóng là một ví dụ. Một số kế hoạch để thích ứng, một đề xuất của thành phố New York về xây dựng một nhà máy kiểm soát lũ ở phía nam Manhattan. Không phải tất cả, nhưng một số người đã lựa chọn làm việc tại những nơi thời tiết bớt khắc nghiệt hơn.

Khi nhu cầu giảm tác hại của biến đổi khí hậu tăng lên, nguồn cung sẽ đáp ứng. Thị trường hàng hóa đang phát triển thúc đẩy các nhà sản xuất phải đổi mới - và nghiên cứu của Matthew Kahn thuộc Đại học Johns Hopkins và Daxuan Zhao của Đại học Renmin cho thấy logic tương tự áp dụng cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Các công ty nghiên cứu năng lượng không phát thải và cô lập carbon hy vọng sẽ tạo ra một thị trường cho lĩnh vực này. Ngược lại, thị trường của các phương tiện dùng để đối phó với biến đổi khí hậu đang gia tăng mạnh mẽ từng ngày.

Điều này, xét trên nhiều phương diện, là một việc tốt. Những dự đoán về chi phí phải bỏ ra khi khí hậu biến đổi sẽ cao hơn rất nhiều khi các phân tích loại bỏ những khả năng của hành vi thích nghi. Nghiên cứu được công bố năm ngoái xem xét chi phí toàn cầu của lũ lụt ven biển, ước tính rằng lũ lụt sẽ kéo tụt 4,5% GDP toàn cầu năm 2200 - trừ phi có những tác động từ đầu tư thích ứng và việc di cư được xem xét, trong trường hợp đó tổn thất chỉ làm giảm 0,11%. Một báo cáo mới của Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng, một nhóm gồm 20 nền kinh tế giàu có và mới nổi, nhận ra rằng 1,8 triệu USD trong các khoản đầu tư thích ứng, nếu được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030, sẽ mang lại lợi ích ròng ước tính là 7,1 triệu USD.

Minh chứng lịch sử

Tuy nhiên con đường để đi tới sự thích ứng không hoàn toàn là một điều tốt đẹp. Cũng như việc nâng cao hiệu quả của các tính năng an toàn trong xe hơi có thể khiến những người lái xe đi cẩu thả hơn, việc đầu tư vào thích ứng có thể khiến mọi người e dè hơn khi bỏ ra chi phí giải quyết tận gốc biến đổi khí hậu. Việc khử khí carbon sẽ tiêu tốn một khoản chi cực lớn, cũng như gây khó chịu cho những người sống ở khu vực đó. Và mọi người sẽ bị thuyết phục rằng điều đó chỉ mang lại lợi ích cho họ nếu những tác hại mang tính hữu hình và xảy ra trong tương lai gần, như vậy mới cần phải ngăn chặn.

Đầu tư để thích nghi mà làm giảm khả năng và mức độ nghiêm trọng của những nguy hại hiển hiện đã khiến mọi người không còn chấp nhận những vất vả từ việc khử khí carbon nữa. Một khi chính phủ càng trì hoãn hành động kiểm soát sự nóng lên, người dân và doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ chính họ, và họ càng ít gặp rắc rối hơn với những thất bại của chính phủ đối với việc khử cacbon.

Nhưng ngay cả khi một số người có thể thích nghi với biến đổi khí hậu, đây vẫn là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Sự nóng lên toàn cầu khi không được giải quyết có thể dẫn đến những kịch bản thảm khốc vượt xa mọi khả năng thích ứng của con người.

Ngoài ra, khả năng thích ứng thay đổi theo từng nơi. Bắc Mỹ và lục địa châu Âu, cả hai đều có khí hậu tương đối ôn hòa, có điều kiện tài chính để thích nghi và di chuyển ra khỏi những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất một cách dễ dàng. Những người nghèo có ít tiền mặt dư thừa, chủ yếu sống ở những nơi nóng hơn và gặp nhiều trở ngại hơn.Thật vậy, một số nghiên cứu cho thấy họ thậm chí còn di cư ít hơn khi nhiệt độ tăng, bởi vì điều kiện nóng, khô hơn đã làm tổn hại đến năng suất nông nghiệp, từ đó tước đi số tiền họ cần dùng để chuyển sang nơi ở khác.

Một phần hấp dẫn của giảm thiểu chính là việc các quốc gia giàu có từng bước giúp đỡ chính họ và các nước nghèo hơn, những công việc cần ít trách nhiệm đối với sự nóng lên toàn cầu và dễ bị ảnh hưởng bởi hệ quả của nó. Cư dân của các nền kinh tế tiên tiến phải nhận ra rằng chi tiêu để bảo vệ chính mình cũng là một cách nâng cao trách nhiệm đối với người khác.

Mỹ Linh

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên