“Thay vì làm nhanh, ồ ạt tại sao không chọn cách làm chắc để có sản phẩm BĐS tạo tác động tốt tới môi trường và xã hội”
Đứng trước biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay, vai trò của doanh nghiệp BĐS không còn là phát triển dự án đơn thuần, mà đó là câu chuyện của sự bền vững, là chung tay giảm tác động xấu đến môi trường sống. Chung quy lại, giá trị của mỗi dự án BĐS nằm ở sự đầu tư của mỗi doanh nghiệp gắn liền trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Thời điểm cận Tết, chúng tôi có cuộc trao đổi khá thú vị với bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Thăng Long (Thang Long Real). Với chủ đề tưởng chừng mang tính "hàn lâm" nhưng thực tế lại rất gần gũi, gắn liền trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS với câu chuyện bảo vệ môi trường sống. Mà ở đó, mỗi "ngóc ngách" phát triển của một dự án BĐS chính là cách mà doanh nghiệp chung tay giảm tác động xấu đến môi trường xung quanh; tăng thêm giá trị trải nghiệm cho người mua. Từ đó, thúc đẩy tính thanh khoản và tạo lập được sự phát triển bền vững cho thị trường BĐS.
BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí CO2, ngăn chặn hiệu ứng nhà kính
Theo bà Nguyễn Thái Hà, Việt Nam có hơn 1.000km giáp biển, khi biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng rõ nét đến con người và môi trường sống. Có nghiên cứu, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì khoảng 40% đồng bằng sông Cửu Long và 10% đồng bằng Sông Hồng bị ngập, tác động đến 25% dân số, hệ luỵ đến đất đai, con người là khá lớn.
Chưa kể, hiệu ứng nhà kính, không khí nóng lên từng ngày đang tạo nên tác động xấu đến cuộc sống chung của con người. Đây cũng là vấn đề cấp bách của toàn cầu hiện nay.
Trong báo cáo của công ty bất động sản Cushman & Wakefield đã xem xét hiện trạng rủi ro khí hậu và những tác động đối với lĩnh vực bất động sản cũng như cách mà bất động sản làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo, môi trường xây dựng đòi hỏi khoảng 40% vật liệu khai thác trên thế giới, trong khi chất thải từ việc phá dỡ và xây dựng công trình là dòng chất thải đơn lẻ lớn nhất ở nhiều quốc gia. Xây dựng và bất động sản chịu trách nhiệm cho 39% lượng khí thải carbon toàn cầu, với lượng khí thải hoạt động chiếm tới 28%. 11% còn lại đến từ phát thải carbon, hoặc các yếu tố khác. Do đó, việc giảm lượng khí thải carbon liên quan đến ngành bất động sản là rất quan trọng trong suốt vòng đời của một dự án, từ khi lập kế hoạch và huy động vốn, cho đến xây dựng, đưa vào sử dụng hay phá dỡ.
Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Thang Long Real
Theo đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp BĐS đang lưu tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Bài toán đặt ra cho doanh nghiệp là làm cách nào để vừa đồng hành trong việc bảo vệ môi trường sống, vừa đáp ứng nhu cầu sống ngày càng chất lượng của người mua.
Theo bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Thang Long Real, trách nhiệm giảm phát thải ra môi trường sống không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân, doanh nghiệp mà là của toàn xã hội, cộng đồng. Vì thế, tạo ra được một sản phẩm BĐS tốt, giảm tác động xấu đến môi trường sống, tiết kiệm năng lượng…thể hiện vai trò của mỗi doanh nghiệp BĐS trong câu chuyện này. Tuy nhiên, để làm được, đòi hỏi sự tư duy trong cách làm của mỗi doanh nghiệp từ khâu thiết kế, xây dựng đến vận hành dự án phải chỉn chu và có sự đầu tư tỉ mỉ.
Doanh nghiệp bất động sản cần làm gì?
Bà Thái Hà cho rằng, nếu doanh nghiệp BĐS làm dự án một cách ồ ạt, làm nhanh, không gắn liền trách nhiệm với môi trường sống thì đó là tư duy phát triển không bền vững trên thị trường.
"Thay vì làm nhanh, ồ ạt tại sao không chọn cách làm chắc để có sản phẩm BĐS tạo tác động tốt với môi trường và xã hội", bà Hà nhấn mạnh.
Nữ lãnh đạo này chia sẻ, doanh nghiệp phát triển dự án gắn liền trách nhiệm với cộng đồng nghĩa là tạo hiệu ứng tích cực, là đang đi theo hướng bền vững, lâu dài. Trong đó, phát triển dự án tăng mảng xanh tự nhiên, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và công nghệ trong quản lý vận hành sẽ tiết kiệm được chi phí, năng lượng, giảm thiểu phát thải C02 ra môi trường sống.
Cụ thể về dự án đang phát triển của doanh nghiệp, bà Hà cho hay, dự án Fiato Premier tại Tp.Thủ Đức có quy mô 1.6 ha nhưng doanh nghiệp chỉ xây dựng hơn 400 căn hộ, mật độ xây dựng 25-28%; phần diện tích còn lại là mảng xanh tự nhiên và trong công trình, sử dụng toàn bộ các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; ứng dụng smart building và smart home cho căn hộ; điều này góp phần trong việc tiết kiệm năng lượng, chi phí, bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn…
Theo bà Hà, nếu cùng diện tích như thế, doanh nghiệp có thể phát triển được hàng ngàn căn hộ. Thế nhưng, với những khối bê tông, diện tích xây dựng nhiều hơn mảng xanh nghĩa là đang xây toà nhà thải khí C02 ra môi trường; đang huỷ hoại môi trường sống.
Theo bà Nguyễn Thái Hà, vai trò của doanh nghiệp BĐS hiện nay không còn là phát triển dự án đơn thuần, mà đó là câu chuyện của sự bền vững, là chung tay giảm tác động xấu đến môi trường sống.
"Chúng tôi chấp nhận hi sinh phần lợi nhuận để tạo ra giá trị lớn hơn là hướng đến bảo vệ môi trường sống. Tôi nghĩ, đây là cách làm bền vững mà cần nhiều doanh nghiệp BĐS khác hợp sức đồng hành, từ đó hình thành tư duy chung tay bảo vệ bầu không khí – vấn đề đang cấp bách toàn cầu hiện nay", Tổng giám đốc Thang Long Real nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thái Hà, để làm được dự án căn hộ đáp ứng được tất cả tiêu chí liên quan đến môi trường sống, thực tế không phải dễ dàng. Bên cạnh việc chấp nhận hi sinh kì vọng lợi nhuận của doanh nghiệp thì việc chú tâm trong từng thiết kế chi tiết toà nhà đòi hỏi chủ đầu tư phải lên thiết kế ngay từ ban đầu. Trong đó, có 3 yếu tố xuyên suốt, đó là: giảm diện tích xây dựng, tăng mảng xanh; đưa vật liệu thân thiện môi trường vào xây dựng; đưa công nghệ vào vận hành toà nhà, cắt giảm được nhân lực tác động vào, từ đó tiết kiệm được các chi phí liên quan, năng lượng không cần thiết…
Theo bà Nguyễn Thái Hà, khi mà tất cả các doanh nghiệp BĐS cùng nghiên cứu, tham gia đầu tư các dự án BĐS mang lại giá trị tốt cho xã hội chính là định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững. Cũng chính từ cách làm tốt đó, giá trị mang lại cho doanh nghiệp, khách hàng là rất lớn. Khả năng được khách hàng chấp nhận trên thị trường là rất cao. Trong đó, giá trị dễ thấy nhất đối với doanh nghiệp là uy tín thương hiệu.
"Phát triển được dòng sản phẩm tốt, giảm tác động xấu đến môi trường sống, doanh nghiệp BĐS có được lòng tin từ người mua nhà, từ đó tạo giá trị về mặt thương hiệu. Đây là giá trị lớn nhất, quyết định nhiều giá trị đi sau đó. Còn với người mua, họ được trải nghiệm sống tốt hơn, tăng giá trị cho thế hệ tương lai", bà Nguyễn Thái Hà nhấn mạnh.