MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The ASEAN Post: Việt Nam nằm trong 3 quốc gia có tiềm năng trở thành 'nhà vô địch' về tăng trưởng của thập kỷ

The ASEAN Post: Việt Nam nằm trong 3 quốc gia có tiềm năng trở thành 'nhà vô địch' về tăng trưởng của thập kỷ

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, song các quốc gia đều đang từng ngày cải thiện và phát triển kinh tế sau những bước lùi. Bước vào thập kỷ mới, cùng điểm xem các quốc gia nổi bật có điều kiện thuận lợi nào để trở thành ứng cử viên cho cuộc chạy đua tăng trưởng kinh tế.

Bước vào một thập kỷ mới, liệu quốc gia nào sẽ có khả năng viết nên câu chuyện về sự thành công trong kinh tế? The ASEAN Post chỉ rõ, Hàn Quốc, Việt Nam và Mexico chính là ba quốc gia có tiềm năng nhất với các giai đoạn phát triển khác nhau.

Hàn Quốc là một nền kinh tế tiên tiến, trong khi Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là đất nước có thu nhập trung bình thấp, giống như Ấn Độ hay Bangladesh. Mexico, một quốc gia có thu nhập trung bình cao như Colombia, Botswana hoặc Indonesia, nằm ở nhóm giữa. The ASEAN Post nhận định, mỗi nền kinh tế này sẽ vượt trội hơn các quốc gia khác cùng nhóm trong 10 năm tới.

Hàn Quốc là lựa chọn an toàn nhất trong ba nước. Bắt đầu từ cuối thập kỷ 1970, Hàn Quốc đã tăng trưởng mạnh và duy trì sự tăng trưởng này suốt hai thập kỷ cho đến khi gặp phải rào cản do cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997.

Đáng chú ý, trong các quốc gia phát triển, Hàn Quốc có triển vọng nổi bật, chủ yếu là do tập trung đầu tư vào nguồn lực con người. Với 3.319 đơn đăng ký bằng sáng chế trên một triệu dân vào năm 2019, Hàn Quốc đang vượt lên trên các quốc gia khác.

Nhật Bản có số lượng cao thứ hai, với 1.943, trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ có lần lượt là 890 và 869. Tháng 4/2019, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên khởi động chiến dịch 5G trên toàn cầu. Các công ty của nước này cũng đã lên kế hoạch để có thể chiếm 15% thị phần 5G toàn cầu vào năm 2026.

Hơn nữa, Hàn Quốc giải quyết được một nhiệm vụ khó khăn mà ở các quốc gia khác vẫn gặp phải: tuyển chọn giáo viên. Hàn Quốc đã thu hút được một số nhân tài của đất nước đi vào lĩnh vực giảng dạy và giáo viên là một trong những nghề có thu nhập cao nhất tại đất nước này.

Những hành động như chuyển nơi ở chính thức của Tổng thống từ Nhà Xanh sang trọng đến một khu phức hợp chính phủ bình thường ở trung tâm thành phố Seoul là những cử chỉ mang tính biểu tượng mạnh.

Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người chỉ 1.297 USD vào năm 2010, cũng là một trong ba nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng kể từ đó và thu nhập bình quân đầu người hiện đã vượt qua Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Việt Nam gây ấn tượng mạnh trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% vào năm 2020 - một năm mà hầu hết các nền kinh tế khác đều đối mặt với suy thoái. Dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định mà Việt Nam hiện đang thu hút có thể biến đất nước trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới.

Tương tự như Việt Nam, Mexico có tiềm năng lớn nhất để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) bắt đầu hiệu lực vào năm ngoái, có thể xúc tiến cho việc liên hợp giữa ba nền kinh tế này.

Trên thực tế, với việc Mỹ và Canada mạnh về khả năng tài chính và công nghệ tiên tiến, Mexico lại có lực lượng lao động dồi dào, khu vực này hoàn toàn có thể hồi sinh và vượt qua Trung Quốc.

Quốc gia cuối cùng phải kể đến là Ấn Độ. Một vài năm trước, Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ khoảng 9%/năm đã giúp quốc gia này nâng cao vị thế về kinh tế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-2020.

Song, về cơ bản thì Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế mới nổi mạnh nhất. Quốc gia này có một khu vực về công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới, một ngành công nghiệp dược phẩm mạnh mẽ và một bộ phận nhỏ người lao động có trình độ học vấn cao. Trở ngại lớn nhất chính là nền chính trị bất định, làm mất lòng tin và khiến tỷ lệ đầu tư giảm đều đặn trong vài năm qua.

Như vậy, theo tờ The ASEAN Post, tính đến hiện tại, Ấn Độ dường như đã bị loại ra khỏi cuộc chạy đua ngôi vị chiến thắng về tăng trưởng kinh tế của thập kỷ này.

Tiến Dũng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên