The Economist: Đã đến lúc từ biệt than đá!
Than đá chính là "trái tim" của nhiên liệu hóa thạch.
- 26-11-202050 con tàu chất đầy than đá mắc kẹt ở cảng biển Trung Quốc, Australia tìm cách phá băng căng thẳng
- 24-11-2017Đốt quần áo của H&M thay than đá, nhà máy điện ở Thụy Điển muốn đoạn tuyệt với nhiêu liệu hóa thạch
- 22-03-2017Bắc Kinh đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đá nhằm thực hiện lời hứa "đưa bầu trời xanh trở lại"
Trên toàn thế giới, gió đang đổi chiều. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa gây sửng sốt khi đặt ra mục tiêu đến năm 2060 sẽ giảm lượng khí thải carbon ròng của Trung Quốc xuống 0. Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden, sẽ đưa Mỹ quay trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trên thị trường tài chính, các công ty ở mảng năng lượng sạch đang khởi sắc mà bằng chứng hùng hồn nhất là Tesla vừa gia nhập S&P 500 và trở thành một trong những thành viên lớn nhất của chỉ số này.
Không chỉ là lời nói, các quốc gia đã có những hành động thực tế. Ở Mỹ và châu Âu, lượng tiêu thụ than đá – nguồn gây ra khí thải nhà kính lớn nhất – đã giảm khoảng 34% kể từ 2009 đến nay. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA nhận định lượng tiêu thụ than đá trên toàn cầu sẽ không bao giờ có thể vượt quá mức đỉnh trước đại dịch Covid-19.
Tất nhiên than đá vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Than đá chiếm khoảng 27% lượng nguyên liệu thô được sử dụng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ những chiếc xe hơi cho đến các nhà máy điện. Không giống như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, than đá là carbon cô đặc và chiếm 39% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch hàng năm. Giờ đây nhiệm vụ là cần phải lặp lại thành công của châu Âu ở châu Á. Điều đó không phải là dễ.
Thời hoàng kim của than đá là trong Cách mạng công nghiệp. Ở các nước phát triển, lượng than đá sử dụng trong các lò đốt đạt đỉnh vào những năm 1930 và giảm dần khi các nhiên liệu sạch hơn xuất hiện. Thậm chí gần đây lượng tiêu thụ ở phương Tây đã lao dốc. Ở Anh, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá sẽ đóng cửa vào năm 2022. Công ty khai thác than đá của Mỹ Peabody Energy mới đây cảnh báo có thể phá sản lần thứ 2 trong 5 năm trở lại đây.
Trong khi giá carbon khiến xu hướng từ bỏ than đá tăng tốc ở châu Âu, chính quyền của ông Trump lại ưu ái ngành công nghiệp than đá với các chính sách giảm thiểu luật lệ. Tuy nhiên kết quả là ngành công nghiệp này vẫn suy giảm ở Mỹ. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh khốc liệt từ khí đốt giá rẻ được sản xuất bằng công nghệ thủy lực (fracking).
Các chính sách ưu đãi thuế và trợ cấp thôi thúc ngành năng lượng tái tạo bùng nổ - điều lại càng giúp giảm chi phí. Hiện các trang trại điện mặt trời và điện gió trong đất liền là nguồn cung cấp điện giá rẻ nhất cho ít nhất là 2/3 dân số thế giới, theo BloombergNEF. Ngành than đá càng gặp khó khăn hơn khi bị các ngân hàng và nhà đầu tư quay lưng.
Có thể nói rằng năng lượng tái tạo đã chiến thắng, nhưng đó chưa phải là chiến thắng toàn diện. Thập kỷ vừa qua, trong khi châu Âu lắc đầu với than đá thì lượng tiêu thụ ở châu Á lại tăng khoảng 25%. Châu Á hiện cũng chiếm 77% tổng lượng than đá tiêu thụ trên toàn thế giới. Chỉ riêng Trung Quốc sử dụng hơn 2/3 số đó, theo sau là Ấn Độ. Tiếp đến là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Indonesia và Việt Nam.
Nếu mục tiêu là hạn chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở con số 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không nên trông chờ châu Á giảm nhu cầu về than đá. Các nhà máy mới vẫn đang được xây dựng, đồng thời nhiều nhà máy đã xây dựng xong nhưng chưa hoạt động hết công suất và vẫn còn hạn sử dụng lên tới vài thập kỷ. Hiện có công nghệ "than sạch" được quảng bá là sẽ hút lại lượng khí thải mà chúng nhả ra. Nhưng điều đó chỉ có ích khi sử dụng than đá trong các nhà máy công nghiệp (ví dụ như nhà máy thép), còn chi phí để sử dụng trong nhà máy điện vẫn là quá đắt đỏ.
Do đó châu Á cần sớm có những chính sách hoàn toàn mới để từ bỏ than đá. Mục tiêu là ngừng xây mới các nhà máy điện chạy bằng than và đóng cửa những nhà máy cũ. Một số quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh đã thực hiện bước đầu tiên.
Châu Á sẽ phải giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ. Chiến thuật đã tỏ ra hiệu quả ở châu Âu và Mỹ có thể sẽ không linh nghiệm ở đây khi các công ty khai khoáng, nhà máy điện, nhà sản xuất thiết bị và các ngân hàng tài trợ họ phần lớn là thuộc kiểm soát của nhà nước. Các tác động từ thị trường và thuế carbon sẽ kém hiệu quả hơn. Ngoài ra còn là rào cản chính trị: nền kinh tế than đá đã đem đến việc làm, nguồn thu thuế và là động lực xuất khẩu cho nhiều nước châu Á. Trung Quốc sử dụng sáng kiến Vành đai con đường để bán cả máy móc khai thác than đá và các nhà máy điện. Trên khắp khu vực, ở không ít nước nguồn thu của các địa phương phải phụ thuộc vào than đá.
Các nước châu Á cũng cần đền bù cho những người bị thiệt hại do chính sách phát triển năng lượng xanh. Bài học từ những thị trấn khai mỏ nghèo túng ở Wales và West Virginia là tình trạng mất việc làm sẽ gây ra bất ổn xã hội. Tập đoàn Coal India của Ấn Độ có tới 270.000 nhân công. Từ tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc đến Jharkhand của Ấn Độ, các chính quyền địa phương cần được tiếp thêm sức mạnh để cân bằng lại nền kinh tế. Các ngân hàng cũng cần có chính sách đặc biệt.
Châu Âu và Mỹ cho thấy "ông vua than đá" có thể bị phế truất, nhưng họ cũng không thể đứng ngoài khi châu Á cố gắng hoàn tất cuộc cách mạng này. Tin tốt là châu Á cũng rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, bởi người dân châu Á, cơ sở hạ tầng và nền nông nghiệp của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hạn hán, lũ lụt, các cơn bão và nước biển dâng vì biến đổi khí hậu.
Những ngày huy hoàng của than đá đang dần đi đến hồi kết. Và than đá càng sớm được đưa vào viện bảo tàng cũng như những cuốn sách lịch sử, thế giới càng được hưởng lợi nhiều hơn.