The Economist: Để biết tương lai của Nhật Bản thế nào, hãy nhìn vào một ngành công nghiệp được coi là xương sống của xã hội hiện đại, mang lại doanh thu 77 tỷ USD/năm
Các cửa hàng 7-Eleven của đất nước cho thấy tầm quan trọng của việc nhập cư đối với kinh tế Nhật Bản.
- 05-04-2024Dữ liệu việc làm Mỹ tháng 3 bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo, liệu FED có trì hoãn việc cắt giảm lãi suất lâu hơn?
- 05-04-2024‘Chẳng mấy chốc vàng đạt kỷ lục 2.600 USD/ounce’: Chuyên gia thị trường phân tích nguyên nhân thúc đẩy vàng tăng giá 1 năm tới
- 05-04-2024Không phải chứng khoán, người trẻ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ xô ra ‘siêu thị’ để đầu tư một loại tài sản, với niềm tin an toàn trong biến động
Để hiểu nhật bản đang thay đổi như thế nào, hãy nhìn vào cửa hàng tiện lợi 7-Eleven trong tòa Minami-Azabu 1 tại trung tâm Tokyo. Thoạt nhìn, nó có vẻ giống như bất kỳ cửa hàng tiện lợi (tiếng Nhật gọi là konbini) nào khác trên đất nước, phản ánh văn hóa phục vụ hoàn hảo của Nhật Bản.
Nhân viên chào khách hàng mỗi khi cửa mở. Những đồ ăn nhẹ theo mùa được xếp đầy các kệ và mùi gà rán tươi thoang thoảng trong không khí. Tuy nhiên, tất cả nhân viên đều là người Myanmar, kể cả chủ cửa hàng – cô May Zin Chit. Cô May là người Myanmar đầu tiên sở hữu nhượng quyền thương mại 7-Eleven của Nhật Bản.
Konbini là huyết mạch của Nhật Bản hiện đại. Kể từ khi nổi lên vào năm 1969, chúng đã phát triển vượt xa mô hình tiền thân có nguồn gốc từ Mỹ và trở thành một phần thiết yếu trong cơ sở hạ tầng xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp konbini mang lại doanh thu 77 tỷ USD mỗi năm tại Nhật Bản.
Bốn chuỗi cửa hàng tiện lợi chính, bao gồm 7-Eleven, FamilyMart, Lawson và MiniStop, có tổng cộng 55.700 cửa hàng và đã phục vụ tổng cộng 16 tỷ lượt khách hàng vào năm ngoái. Người Nhật mua thực phẩm tươi sống, thanh toán hóa đơn, gửi bưu kiện và làm vô số việc khác tại các cửa hàng phục vụ 24/24 giờ này. Khách du lịch nước ngoài ngạc nhiên trước hàng loạt dịch vụ của họ, còn đầu bếp quốc tế nổi tiếng khen ngợi bánh mì trứng của họ.
Tuy nhiên, ngày càng có ít người Nhật có thể biến điều kỳ diệu konbini thành hiện thực. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đạt đỉnh 87 triệu người vào năm 1995 và dự kiến sẽ giảm xuống còn 55 triệu vào năm 2050. Gia tăng phụ nữ và người cao tuổi vào lực lượng lao động có thể giúp chống lại xu hướng suy giảm này, nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế. Còn một cách nữa mà các chính trị gia Nhật Bản e ngại nói ra, đó là nhập cư. Hành trình làm chủ konbini của cô May đã chứng minh điều này.
Cô May lần đầu đến Nhật Bản với tư cách là sinh viên trao đổi. Khi cô bắt đầu làm việc tại 7-Eleven năm 2008, chỉ có 500.000 lao động nước ngoài ở Nhật Bản. Mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào cô ấy, còn khách hàng thường xuyên yêu cầu được nói chuyện với nhân viên người Nhật.
Trong khi tránh nói về “chính sách nhập cư” chính thức, chính phủ Nhật Bản đã âm thầm mở cửa cho nhiều người nước ngoài vào nước này trong những năm gần đây. Số lượng lao động nước ngoài đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2008, lần đầu tiên đạt mốc 2 triệu vào năm ngoái, chưa kể 1,2 triệu người nước ngoài khác sống ở Nhật Bản nhưng làm việc phi chính thức. Vào ngày 29/3, chính phủ đã mở rộng danh sách các lĩnh vực đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề.
Con số này sẽ phải tăng nhanh hơn. Nhật Bản cần 4,2 triệu lao động nước ngoài đến năm 2030 để duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn. Mặc dù lo ngại về tình trạng nhập cư quy mô lớn vẫn còn phổ biến, cuộc khủng hoảng lao động đã khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức đồng tình cần có một Nhật Bản đa văn hóa hơn. Người nước ngoài hiện chiếm khoảng 2,5% dân số Nhật Bản. Nhưng theo dự đoán của chính phủ, tỷ lệ này sẽ vượt trên 10% vào năm 2070 – tương tự như mức hiện tại ở Pháp. Yasui Makoto – người ủng hộ nỗ lực đa văn hóa tại 7-Eleven, nhận định rằng kỷ nguyên đó sẽ diễn ra trong cuộc đời của những đứa trẻ bây giờ.
Còn bên trong konbini của Nhật Bản, kỷ nguyên đó đã đến. Khoảng 80.000 người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực của hàng tiện lợi, chiếm 9% lực lượng lao động. Ở nhiều thành phố lớn, một nửa nhân viên 7-Eleven là người nước ngoài, với nhiều người trong số họ là sinh viên. Tại cửa hàng của cô May, cô tìm cách “cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn Nhật Bản” và đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của “những tiểu tiết”, chẳng hạn như cách đóng gói sản phẩm và không làm nát chúng.
Tại 7-Eleven, cô May được coi là hình mẫu mà công ty hy vọng có thể nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều rào cản để những người khác đi theo con đường của cô. Nhiều sinh viên làm việc tại konbini gặp khó khăn trong việc xin thị thực để tiếp tục làm việc sau khi tốt nghiệp. Tương đối ít người lên được cấp quản lý cửa hàng, và càng ít người có thể làm chủ. Cô May đã phải rất vất vả để đăng ký thường trú tại Nhật và hạn mức tín dụng để đạt được ước mơ sở hữu một cửa hàng. Dù chính phủ đang nỗ lực điều chính chính sách nhập cư, những người nhập cư tương lai vẫn còn quá khó khăn để định cư tại Nhật Bản.
Về phần mình, cô May hy vọng sẽ ở lại đất nước này mãi mãi cùng hai con nhỏ. Cô nói: “Bây giờ tôi đã có gia đình ở đây nên tôi cảm thấy Nhật Bản như là nhà của mình”. Trở thành quản lý cửa hàng đã mang lại cho cô sự tự tin. “Điều đó khiến tôi nghĩ rằng dù tôi có là người nước ngoài hay không cũng không sao, miễn là tôi làm việc chăm chỉ,” cô nói.
Nhịp Sống Thị Trường