MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới chi 1.300 tỷ USD cho chuyển đổi số – miếng bánh béo bở cho công ty công nghệ

28-03-2019 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng chục triệu USD cho chuyển đổi số khiến cho thị trường này trên toàn cầu đang diễn ra hết sức sôi động. Đây là mỏ vàng cho các công ty công nghệ.

Theo dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD (khoảng 46.000.000 tỷ VNĐ) và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD (khoảng 30.000.000 tỷ VNĐ), tăng trưởng 16,8%, trong khi tổng thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD (khoảng 23.000.000 tỷ VNĐ) và chỉ tăng trưởng 4%.

Một cuộc khảo sát vừa được công bố bởi Deloitte - Top 4 “ông lớn” tư vấn thế giới cho thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Gã khổng lồ kế toán và dịch vụ Deloitte đã phỏng vấn 1.200 giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp có ít nhất 500 nhân viên và doanh thu trên 250 triệu USD (khoảng 5.700 tỷ VNĐ), nhận thấy 19% doanh nghiệp dự định đầu tư 20 triệu USD (khoảng 463 tỷ VNĐ) trở lên cho chuyển đổi số trong năm 2019. Khi được hỏi cùng một câu hỏi vào đầu năm 2018, chỉ 10% đưa ra câu trả lời tương tự.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy ngân sách dành cho việc chuyển đổi này tại các công ty có quy mô vừa và lớn đã tăng từ mức trung bình 11 triệu USD (khoảng 254 tỷ VNĐ) lên 13,5 triệu USD (khoảng 312 tỷ VNĐ) trong năm nay.

Nhanh chóng chớp thời cơ

Việc các doanh nghiệp sẵn sàng mở hầu bao. tăng mức đầu tư cho chuyển đổi số đã mở ra thị trường rộng lớn và cơ hội vươn lên mạnh mẽ cho các công ty công nghệ. Một minh chứng thực tế các doanh nghiệp như Google, Facebook chỉ qua một thời gian ngắn đã tiến lên chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trên toàn cầu nhờ bắt nhịp xu thế chuyển đổi số đúng cách và biết tập trung nỗ lực chủ yếu vào các giá trị cốt lõi là con người và công nghệ.

Không chỉ có các ông lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft nhanh chóng nắm bắt cơ hội này mà nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những động thái tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số. Hàng loạt các công ty công nghệ đình đám như Viettel, VNPT, CMC, FPT… đều đưa ra những định hướng mới để tham gia vào sân chơi chuyển đổi số, trong đó FPT sớm đưa ra tuyên bố chiến lược tiên phong.

Thế giới chi 1.300 tỷ USD cho chuyển đổi số – miếng bánh béo bở cho công ty công nghệ - Ảnh 1.

Trong năm 2018, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI của FPT đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu hỗ trợ/tháng.

“Với những cơ hội và tiềm năng không giới hạn của thị trường chuyển đổi số, FPT xác định đây là cơ hội quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho Tập đoàn về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Thực tế, từ nhiều năm nay, FPT đã sớm có những sự đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số như Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Điện toán đám mây… Hiện FPT là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện - FPT.AI. Nền tảng này cho phép các lập trình viên để tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên với ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là chatbot (giúp tự động gắn kết với khách hàng), dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói (ứng dụng trong tổng đài tự động); xử lý ảnh và tài liệu (ứng dụng trong bài toán nhận dạng các loại giấy tờ tùy thân và nhận diện khuôn mặt)…

Trong năm 2018, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI của FPT đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu hỗ trợ/tháng. Hiện có 7.720 lập trình viên đang phát triển các ứng dụng trên nền tảng này và gần 155.000 giờ giọng nói đã được các đối tác sử dụng. Hệ thống tổng đài tự động với công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói của FPT.AI đã thực hiện được hơn 750.000 nghìn cuộc gọi mỗi tháng, có thể thực hiện đồng thời 15.000 cuộc gọi vào giờ cao điểm, tương đương với hiệu suất làm việc của 500 tổng đài viên cùng lúc. Công nghệ nhận dạng chứng minh thư và giấy phép lái xe của FPT có độ chính xác lên đến 95%. Ứng dụng chatbot của FPT.AI tại FPT Shop đã hỗ trợ đến 70% tương tác với khách hàng…

Song song với việc phát triển công nghệ, FPT cũng nhanh chân đầu tư xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số. Mới đây, tập đoàn này đã mời TS Phương Trầm - cựu CIO tập đoàn Dupont – công ty toàn cầu với doanh thu 85 tỷ USD và là một trong những tập đoàn chuyển đổi số thành công thuộc hàng sớm nhất thế giới về làm tư vấn trưởng về chuyển đổi số. Trước đó, FPT cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng khi là công ty Việt Nam đầu tiên M&A Intellinet, một trong công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ; xây dựng bộ máy tư vấn chuyển đổi số với hàng trăm chuyên gia; ký và thực hiện hàng loạt các thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Ngân hàng Shinhan, Carlsberg, Scheneider Electric, ISE Foods, Airbus…

Với những bước đi nhanh và táo bạo đó, FPT nói riêng và các doanh nghiệp công nghệ nói chung đang thực sự có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường chuyển đổi số.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên