Thế giới có thể cần tới 5 Trái đất để đáp ứng đủ nguồn tài nguyên
Thế giới hiện đang tiêu thụ một lượng tài nguyên khổng lồ và có thể cần tới 5 Trái đất để đáp ứng đủ tài nguyên cho nhu cầu cả nhân loại.
- 10-10-2023'Chiến thần' xe điện từ châu Âu sắp khuấy đảo thị trường: Ô tô 'bé hạt tiêu' có thể tháo rời cho tiện vận chuyển, giá quanh 250 triệu đồng
- 10-10-2023‘Ngôi sao’ của làn sóng bùng nổ xe điện Trung Quốc đệ đơn xin phá sản
- 10-10-2023Biến mới của ông lớn bất động sản Trung Quốc: Dự đoán không thể trả được nợ
Thế giới có thể cần tới 5 Trái đất để đáp ứng đủ nguồn tài nguyên
Theo một khảo sát vào năm 2019, trung bình mỗi người Mỹ trưởng thành chi tới 18 nghìn USD/năm (tức là hơn 400 triệu VNĐ) cho những món đồ không hề thiết yếu. Nếu chúng ta ít mua những món đồ đó hơn và nền kinh tế cũng sản xuất ra chúng ít hơn thì thế giới hoàn toàn có thể tiết kiệm được một con số khổng lồ.
Đây không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân, mà cũng là mục tiêu của khoảng hơn 1.000 nhà khoa học và chuyên gia - những người đã ký một bức thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2020, kêu gọi một mô hình phát triển mới sau đại dịch, được gọi với cái tên khá lạ là "Phi tăng trưởng".
"Phi tăng trưởng" để cuộc sống không lãng phí tài nguyên
Từ khi bắt đầu được đề cập đến trong khoảng 1 thế kỷ qua, khái niệm "Phi tăng trưởng" thường bị chỉ trích là nhằm chống lại các hoạt động kinh tế, hay đòi quay về lối sống trước thời hiện đại. Nhưng theo các chuyên gia, mô hình này thực chất muốn đề cập kỹ hơn tới chất lượng của tăng trưởng kinh tế.
Theo Giáo sư Juliet Schor - Chuyên gia kinh tế và xã hội học, Đại học Boston: "Cụm từ này có vẻ tiêu cực, nhưng thực ra mấu chốt của nó là tiết kiệm tài nguyên đầu vào của hoạt động kinh tế".
Quan điểm của những người ủng hộ khái niệm này dựa trên cơ sở, đó là các thước đo về tăng trưởng kinh tế, như tổng sản phẩm quốc nội GDP thường không đề cập tới những vấn đề như ảnh hưởng tới môi trường, cũng như mức độ hạnh phúc của người dân. Bên cạnh đó, những hoạt động tiêu thụ nguyên nhiên liệu quá cao cũng ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Tiến sĩ Jason Hickel - Viện nghiên cứu Bất bình đẳng Quốc tế, Trường Kinh tế London (LSE): "Hiện chúng ta đang sản xuất nhiều năng lượng tái tạo, nhưng chúng đều bị tiêu thụ hết cho các nhu cầu năng lượng tăng cao. Nếu nền kinh tế sử dụng bớt tốn kém năng lượng hơn, thì quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng sẽ dễ dàng hơn".
Mô hình Phi tăng trưởng khuyến khích cắt giảm hoặc cải tiến các ngành mang tính kém bền vững như sản xuất ô tô xăng, thời trang nhanh, hay sản xuất thịt và trứng. Về phía tiêu dùng, mô hình này cũng hướng tới việc mua bán các sản phẩm ít ảnh hưởng tới môi trường như ô tô điện, quần áo từ vật liệu tái chế. Những mặt hàng như điện thoại, máy giặt, tủ lạnh… cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, có tuổi thọ cao, dễ dàng sửa chữa và tái chế.
Thế giới hiện vẫn đang tiêu thụ một lượng tài nguyên khổng lồ, nếu mỗi người dân toàn cầu dùng lượng tài nguyên bình quân ngang với một người dân Mỹ, sẽ phải cần tới 5 Trái đất để đáp ứng đủ tài nguyên cho cả nhân loại. Đó là bài toán mà xu thế Phi tăng trưởng muốn giải đáp: Sản xuất và tiêu dùng ở một mức độ vừa đủ, nhưng có tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Ngành thời trang nhanh "lo lắng" trước xu thế bền vững
Có thể nói, "vừa đủ nhưng bền vững" là một xu hướng xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tàn phá và đẩy cuộc sống của người dân trên thế giới vào sự khó khăn, thiếu thốn. Và khi khốn khó, con người sẽ trân trọng hơn những gì đang có. Xu hướng "vừa đủ nhưng bền vững" không có nghĩa là bắt chúng ta phải hài lòng với sự thiếu hụt hoặc quay lại thời kỳ lạc hậu của các thế kỷ trước, mà là sống vừa đủ, tiêu thụ vừa đủ để vẫn sung túc mà lại có lợi cho môi trường.
Một trong những lĩnh vực cho thấy xu hướng này là sự quay lưng lại với thời trang nhanh. Những biến đổi gần đây trong thói quen người tiêu dùng đang thật sự khiến các nhà sản xuất đồ thời trang nhanh phải cân nhắc lại chiến lược của mình.
Theo khảo sát mới năm 2023, lĩnh vực mua bán quần áo cũ, sửa chữa và cho thuê mặt hàng quần áo hiện đã đạt con số lên tới 73 tỷ USD và đang có mức tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây, cho thấy người tiêu dùng đang dần hướng sang xu thế thời trang bền vững hơn. Tới năm 2030, Liên minh châu Âu cũng đang dự định áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn với ngành thời trang, buộc các sản phẩm phải có tuổi thọ cao hơn, dễ dàng sửa chữa và tái chế - một quy định có thể ảnh hưởng tới hầu hết các ông lớn thời trang nhanh như Zara, H&M hay Shein.
Bê bối làm chậm iPhone của Apple
Năm 2017, hãng công nghệ Apple đã thừa nhận và phải bồi thường hơn 1 tỷ USD cho người dùng tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc vì bê bối cố tình làm chậm, giảm hiệu năng các dòng iPhone đời cũ. Hàng trăm nghìn người sử dụng cho rằng thiết bị chậm sẽ thúc đẩy người dùng phải đi mua điện thoại mới, gây lãng phí và tăng rác thải điện tử. Kể từ sau bê bối này, Apple, các hãng công nghệ khác và cả giới chức quản lý đã tăng cường các quy định, biện pháp để hướng tới hoạt động kéo dài dòng đời sản phẩm công nghệ, giảm rác thải điện tử.
Sau lùm xùm từ bê bối làm chậm iPhone, hãng công nghệ Apple đã có nhiều bước đi cụ thể để giảm rác thải điện tử. Dòng iPhone 15 và iPad mới của Apple đã chính thức bỏ cổng sạc Lightning riêng, chuyển sang cổng sạc tiêu chuẩn USB type C đã được nhiều đối thủ như Samsung hay Xiaomi sử dụng. Đây là động thái nằm trong xu hướng thúc đẩy các tiêu chí thân thiện với môi trường, các hãng công nghệ như Táo khuyết đã bắt đầu từ vài năm gần đây, khi giới chức toàn cầu siết chặt hơn quy định về sản xuất xanh.
Từ năm 2024, Liên minh châu Âu sẽ chính thức áp dụng quy định buộc các nhà sản xuất thiết bị phải sử dụng một chuẩn cổng kết nối chung - USB type C cho tất cả thiết bị điện tử. Lợi ích từ quy định này là rất rõ ràng: giảm thiểu lượng rác thải điện tử khổng lồ từ dây và cục sạc cũ, cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu và tiện lợi cho người dùng.
Ông Thierry Breton - Ủy viên EC phụ trách thị trường nội khối: "Chỉ với một quy định này, chúng ta sẽ giảm được tới 1.000 tấn rác thải điện tử tại châu Âu mỗi năm. Bên cạnh đó là khoảng 200 kg khí thải carbon - tương đương lượng phát thải của 10 triệu chiếc điện thoại, và hơn 2.000 tấn nguyên vật liệu thô".
Còn tại Mỹ, trong tháng 9 vừa qua, California đã trở thành bang thứ ba thông qua đạo luật bảo vệ quyền được sửa chữa thiết bị của người tiêu dùng. Song song với quyền được bảo hành sản phẩm trong thời gian nhất định, giới chức California yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo nguồn cung linh kiện và hướng dẫn sửa chữa cho người dùng kéo dài tới 7 năm. Ví dụ khi bán các thiết bị gia dụng, máy móc, xe... các hãng cũng phải cung cấp sẵn linh kiện, phụ tùng để người dùng dễ dàng tiếp cận và sửa chữa, nhằm tối đa hóa dòng đời sản phẩm.
Trong khi đó tại Hamburg (Đức), ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng pin mặt trời tái chế. Anh Stefan đang mua 2 tấm pin mặt trời cũ để lắp đặt cho hệ thống điện mặt trời ở ban công nhà của mình, hai tấm pin cung cấp đủ điện năng để chạy máy giặt và tủ lạnh giúp anh tiết kiệm ít nhất 100 euro mỗi năm. "Tôi nghĩ trong tương lai, các gia đình nên tự chủ về điện năng. Điện mặt trời là giải pháp đơn giản nhất để làm việc đó".
Ông Martin Wilke - Quản lý dự án tái chế pin mặt trời: "Khách hàng rất hài lòng. Các tấm pin mới có giá khoảng 200 euro, trong khi pin tái chế của chúng tôi chỉ tốn 1/3, giá khoảng 60-70 euro tùy mẫu".
Một tấm quang năng phải hoạt động hai năm mới tạo ra đủ lượng điện năng dùng để sản xuất ra chính tấm quang năng đó. Chính vì vậy, tái chế để kéo dài thời gian hoạt động của pin mặt trời là hết sức cần thiết để hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững. EU là khu vực đầu tiên ban hành các luật về phế thải điện mặt trời. Với các tấm pin mặt trời không còn sử dụng, EU quy định tỷ lệ tái chế hoặc tái sử dụng lên tới 85%. Đức đang là quốc gia tiên phong thực hiện quy định này.
VTV