MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lãi gộp lên 20%, đưa Bách hoá Xanh đạt mức hoà vốn

18-02-2019 - 16:46 PM | Doanh nghiệp

Thế Giới Di Động đang tìm cách tối ưu hệ thống, tăng tỷ lệ lãi gộp để đưa Bách hoá Xanh về mức hoà vốn tại cửa hàng trong năm 2019.

Bách hoá Xanh hiện có 405 cửa hàng trải đều ở các quận vùng ven TP.HCM và vài tỉnh lân cận. Chỉ trong năm 2018, Thế Giới Di Động đã mở thêm 122 cửa hàng mới cho chuỗi này, đồng thời gia tăng doanh thu lên 208% so với năm ngoái.

“Bách hoá Xanh không có đối thủ trong phân khúc siêu thị nhỏ (mini mart) về lượng khách ghé thăm, doanh thu trên mỗi cửa hàng, trải nghiệm mua hàng,...”, ông Trần Kinh Doanh - CEO Bách hoá Xanh - nói trong buổi gặp với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh 2018 của Thế Giới Di Động.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lãi gộp lên 20%, đưa Bách hoá Xanh đạt mức hoà vốn - Ảnh 1.

Ông Trần Kinh Doanh, CEO Bách hoá Xanh, trong buổi gặp các nhà đầu tư tuần trước - Ảnh: Hải Đăng

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, chuỗi bách hoá của Thế Giới Di Động vẫn đang chịu lỗ. Dự kiến phải cuối năm nay chuỗi này mới hoà vốn ở cửa hàng (tức chưa tính thêm các chi phí quản lý phía trên).

Để đạt được điểm hoà vốn ở cửa hàng, ông Doanh cho biết năm nay Bách hoá Xanh phải tăng tỷ lệ lãi gộp lên 20%.

“Tôi cảm giác rằng con số này sẽ đến trước thời điểm cuối năm”, ông Doanh nói hồi cuối tuần trước. Hiện tỷ lệ lãi gộp của Bách hoá Xanh vào khoảng 18%, còn khoảng 2% nữa là đủ.

Nếu chỉ tính chi phí tại cửa hàng như mặt bằng, nhân viên, hàng hoá,... thì Bách hoá Xanh đã lời 1%, ông Doanh nói. Tuy nhiên, chi phí vận hành các trung tâm lưu trữ hàng hoá đang vào khoảng 2,5% nên vẫn bị lỗ 1,5%.

Nếu đưa được chi phí vận hành các trung tâm này xuống còn 1,5%, cộng với vài chi phí nhỏ khác thì Bách hoá Xanh có thể hoà vốn.

"Hiện chuỗi bách hoá của Thế Giới Di Động đang có 3 kho lưu trữ hàng hoá, chịu trách nhiệm phân bổ hàng về hơn 400 siêu thị. Bách hoá Xanh đang tính toán để giảm chi phí này xuống. Giả sử tối ưu để mỗi trung tâm này phục vụ được 300-400 cửa hàng thì chi phí vận hành sẽ giảm xuống nhiều hơn", ông Doanh giải thích.

Trong năm ngoái, để gia tăng doanh thu cho mỗi cửa hàng, Bách hoá Xanh đã thực hiện chuyển đổi sang mô hình mới. Thay vì các cửa hàng nhỏ lẻ ở sâu trong khu dân cư, chuỗi này bắt đầu lấn ra các đường lớn, với diện tích cửa hàng lớn hơn. Ngoài ra, chuỗi này gia tăng mặt hàng tươi sống như nhóm đóng góp doanh thu chủ đạo.

Trong số 405 cửa hàng hiện nay đã có tới 90% cửa hàng được chuyển đổi sang mô hình hiện đại, với diện tích mặt bằng khoảng 200 mét vuông mỗi cửa hàng. 8% trong số này là các cửa hàng lớn với diện tích trên 300 mét vuông.

Với những thay đổi này, biên lợi nhuận gộp của Bách hoá Xanh tăng lên 16% so với 12% trong năm 2017. Kết hợp với mở mới cửa hàng, doanh thu Bách hoá Xanh tăng 208% so với năm 2017.

Bằng việc gia tăng mặt hàng tươi sống, đóng góp doanh thu ngành này năm 2018 tăng 40% so với 30% trên tổng số so với năm ngoái.

Ông Doanh cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào ngành tươi sống để giá cả lẫn độ tươi cạnh tranh được với kênh chợ truyền thống, cộng thêm yếu tố nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lãi gộp lên 20%, đưa Bách hoá Xanh đạt mức hoà vốn - Ảnh 2.

Bên ngoài một cửa hàng Bách hoá Xanh ở TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng

Sẽ mở rộng ra ngoài TP.HCM nhưng nhiều khó khăn phía trước

Năm nay Bách hoá Xanh sẽ tích cực mở rộng sang các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Tiền Giang,...

Ông Doanh cho biết doanh thu cửa hàng tỉnh có thể thấp hơn cửa hàng ở TP.HCM khoảng 15%. "Sự đón nhận của khách hàng ở tỉnh đối với mô hình siêu thị phục vụ chu đáo, có máy lạnh, hàng hoá đa dạng rất tốt", ông Doanh nói.

Tuy vậy, kinh doanh ở tỉnh vẫn có những khó khăn đặc thù, Giám đốc Bách hoá Xanh chia sẻ. "Chẳng hạn về Tiền Giang mà bán ổi, vốn là thế mạnh ở tỉnh này, thì trái ổi không tiêu thụ được", ông Doanh chia sẻ. "Hoặc chúng tôi bán thịt ba chỉ heo ở Đồng Nai, vốn là trung tâm giết mổ ở miền Nam, thì cũng không cạnh tranh được với chợ". "Nếu ra Phan Thiết mà bán đồ tươi sống thì buộc phải tìm cách cạnh tranh làm sao với chợ ở thành phố biển này rồi".

Chưa hết, ở TP.HCM, mỗi xe khi chở hàng từ kho thì chỉ mất 7-8 km đến cửa hàng, khi về tỉnh thì xe phải đi 15-20km. Những chi phí phát sinh như vậy đều phải tính toán.

"Về tỉnh chúng tôi phải tính toán làm sao để có kênh bán hàng thuận tiện nhất, tối ưu chi phí và hàng hoá nữa", ông Doanh trình bày.

Theo Hải Đăng

ICTnews

Trở lên trên