Thế giới di động kể chuyện “vật vã” thâm nhập thị trường điện thoại Campuchia
Nếu như ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất của Thế giới đi động là giành thị phần từ lực lượng các cửa hàng nhỏ lẻ "đông đảo và hung hãn" thì bài toán của doanh nghiệp này tại Campuchia không chỉ có thế, nó khó khăn hơn nhiều bởi vì hành vi tiêu dùng ở đây: Không ai mua hàng chính hãng.
Nằm trên con đường sầm uất nhất nhì thủ đô Phnompenh (Campuchia) mang tên Mao Trạch Đông là một cửa hàng bán điện thoại di động khá lớn và gây chú ý bởi tấm biển hiệu màu vàng đen nổi bật đã rất quen thuộc với người Việt Nam. Đó là cửa hàng thứ 4 mang thương hiệu Bigphone của CTCP Đầu tư Thế giới di động tại Phnompenh. Ở 3 khu vực khác của thành phố này, Thế giới di động đã mở 3 cửa hàng với định hướng "đánh" vào các phân khúc từ cao xuống thấp, mở đường cho quá trình thâm nhập thị trường Campuchia.
Trong tháng 2, sẽ có 4 cửa hàng BigPhone được mở và trong tháng 5, họ sẽ mở tiếp 2 cửa hàng, hoàn thành kế hoạch mở 10 cửa hàng trong năm 2018.
Theo ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc của Thế giới di động thì tại Campuchia hiện nay không có một chuỗi cửa hàng bán điện thoại di động nào tương tự như BigPhone. Thị trường này giống như Việt Nam nhiều năm trước, tức quãng thời gian mà hoạt động phân phối điện thoại di động nằm hoàn toàn trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ, có những cửa hàng chỉ 2 m2 với 1 nhân viên bán hàng.
Nếu như ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất của Thế giới đi động là giành thị phần từ lực lượng các cửa hàng nhỏ lẻ "đông đảo và hung hãn" thì bài toán của doanh nghiệp này tại Campuchia không chỉ có thế, nó khó khăn hơn nhiều bởi vì hành vi tiêu dùng ở đây: Không ai mua hàng chính hãng.
Trước Thế giới di động, FPT shop đã từng có tham vọng thâm nhập thị trường xứ Nam Vang nhưng không thành công khi người tiêu dùng chỉ mua hàng xách tay và không hề có khái niệm mua hàng chính hãng. Bước chân vào đây, Thế giới di động gặp ngay trở ngại đầu tiên là không thể tìm được một nhà sản xuất nào đồng ý để BigPhone bán hàng.
Cùng với một số nhà phân phối lớn tại Campuchia, ông Hồ Viết Đông – Giám đốc chi nhánh Campuchia của Thế giới di động đã đàm phán với các nhà sản xuất trong suốt nhiều tháng trời với quan điểm bán hàng không trốn thuế. Cuối cùng, Samsung là hãng đầu tiên ủng hộ cách làm của Thế giới di động. Dần dần, Oppo, rồi Huawei cũng đồng thuận và quá trình tìm nguồn hàng đã trở nên thuận lợi hơn.
Riêng với Apple, sau quá trình đàm phán tại Singapore, hãng này quyết định thành lập một nhà phân phối duy nhất tại Campuchia mang tên Falcon và phân phối hàng chính hãng cho BigPhone. Iphone là loại điện thoại được tiêu thụ nhiều nhất tại Campuchia nhưng theo một số thông tin không chính thức thì 4.000 cửa hàng bán Iphone ở đây đều trốn thuế.
Cùng với sự ủng hộ từ các nhà cung cấp như hỗ trợ chiết khấu bán hàng cao hơn để có giá bán cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ, một thuận lợi với BigPhone là thuế nhập khẩu tại Campuchia từ tháng 1/2018 đã giảm từ 10% xuống còn 5%.
Lãnh đạo BigPhone chia sẻ, tâm lý người tiêu dùng ở đâu cũng vậy, thích mua hàng với giá rẻ hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn và được… khuyến mại thêm nhiều thứ. Thực tế, môi trường kinh doanh không công bằng là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập Campuchia, bởi vậy khi giải quyết được những vấn đề lớn, họ chỉ cần "bê nguyên" mô hình Thế giới di động tại Việt Nam vào áp dụng.
BigPhone chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn, xây dựng chế độ hậu mãi hấp dẫn hơn, chế độ bán hàng 1 đổi 1 và kết hợp với các tổ chức tài chính tiêu dùng để bán hàng trả góp. Đó là những dịch vụ mà người tiêu dùng Campuchia chưa hề được trải nghiệm khi mua tại cửa hàng nhỏ lẻ.
Ông Hồ Viết Đông cho hay, dù doanh thu mỗi cửa hàng chưa thể đạt đến con số kỳ vọng là 100.000 USD/tháng nhưng quá trình "dịch chuyển hành vi tiêu dùng" của người Campuchia đang có những kết quả không hề tệ.
Trí Thức Trẻ