MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới Di động (MWG) tròn 3 tháng “xuất ngoại” sang Indonesia: Doanh thu mỗi tháng 4,5-5 tỷ/cửa hàng, đã tính cả chuyện IPO

09-04-2023 - 08:10 AM | Doanh nghiệp

Thế giới Di động (MWG) tròn 3 tháng “xuất ngoại” sang Indonesia: Doanh thu mỗi tháng 4,5-5 tỷ/cửa hàng, đã tính cả chuyện IPO

Trong khi thị trường Campuchia thì khá nhỏ, cơ chế thuế cũng phức tạp, khiến doanh thu của MWG trở nên khá thấp. Indonesia ngược lại, khá minh bạch về thuế trong kinh doanh và đó là lợi thế.

Chia sẻ về dự án đưa chuỗi điện máy sang Indonesia với tên gọi Era Blue hồi cuối năm, ông Đoàn Văn Hiểu Em thông tin tại Đại hội cổ đông diễn ra chiều 8/4 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, MWG đã kinh doanh trọn quý tại Indonesia với quy mô cửa hàng hiện là 400m2, doanh thu trung bình 4,5-5 tỷ đồng/cửa hàng.

Mức doanh thu như vậy - theo ông Hiểu Em - nếu ở Việt Nam là MWG đã có lời. Nhưng ở thị trường nước ngoài, chi phí đầu tư, thiết lập hệ thống ban đầu khá cao. Dự kiến từ giữa quý 2, MWG sẽ bắt đầu tăng tốc nhưng vẫn trên tinh thần thận trọng.

"Cho đến khi tự tin nhất có thể, MWG sẽ mở rộng như vũ bão" - Ông Tài nói.

Được biết, thương hiệu Era Blue thuộc liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue) - MWG hợp tác với đơn vị địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Trả lời cổ đông về việc đầu tư tại Indonesia khác như thế nào và liệu có không hiệu quả về lâu dài như Campuchia hay không, đại diện MWG nhấn mạnh: Rất khác.

“Kinh doanh mảng này thì nhìn vào traffic, nơi có khách hàng tức là sẽ có doanh thu, và sau này sẽ chuyển biến từ doanh thu qua lợi nhuận. Ở Indonesia, doanh thu cho thấy khách hàng đang ủng hộ mô hình MWG vì nó khác biệt với thực tế hiện nay của Indonesia. Đơn cử, Indonesia hiện không có dịch vụ, cửa hàng chỉ bán hàng rồi xong. Còn MWG sẽ cung cấp “full services”, bán hàng và làm tất cả các thao tác tiếp theo cho khách hàng, mô hình này chưa từng có trước đó tại Indonesia”, ông Hiểu Em nói.

Thị trường Indonesia có quy mô, diện tích và dân số đều lớn hơn Việt Nam. Về cơ cấu tiêu dùng, doanh thu mảng điện thoại cũng gấp hai lần Việt Nam. Nhưng mảng điện máy thì không cao như vậy, doanh thu chỉ bằng một nửa tại Việt Nam, nghĩa là còn sơ khai.

Trong khi thị trường Campuchia thì khá nhỏ, cơ chế thuế cũng phức tạp, khiến doanh thu của MWG trở nên khá thấp. Indonesia ngược lại, khá minh bạch về thuế trong kinh doanh và đó là lợi thế.

Trong thông báo mới đây, MWG bất ngờ cho biết đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia trong quý 1/2023. Trong khi trước đó, MWG cho biết đã và đang chuyển đổi chuỗi điện máy này tại Campuchia, dự định mở thêm 10 cửa hàng trong năm 2022 và kỳ vọng đạt được điểm hoà vốn vào tháng 6.

Bluetronics là bước đi đầu tiên của MWG trông cuộc khai thác thị trường quốc tế từ 5 năm về trước, tên gọi ban đầu là chuỗi BigPhone.

Ngược lại, MWG nhấn mạnh dồn lực cho Era Blue vì thấy được cơ hội ở thị trường Indonesia. Ở đây đang có sự chênh lệch giữa dòng sản phẩm điện thoại và điện máy. Ví dụ, tại Việt Nam nếu thị trường nói chung có quy mô 10 tỷ USD, thì điện máy chiếm 5 tỷ USD và điện thoại tương tự đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong khi con số tại Indonesia là 80% điện thoại và chỉ 20% là điện máy.

Mảng kinh doanh Điện thoại khá tương đồng Việt Nam, trong khi thị trường điện máy tại Indonesia còn nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, tại sao thị trường điện máy lại kém phát triển tại Indonesia?

Theo MWG tìm hiểu là do vấn đề về điện năng, nhưng hiện đã được khắc phục. Chưa kể, dịch vụ điện máy tại Indonesia còn rất kém. Cụ thể, nhà bán hàng chỉ bán sản phẩm, còn lại toàn bộ dịch vụ hậu cần là do chính hãng làm chứ không nằm trên vai trò nhà bán lẻ.

Như vậy, với việc mang mô hình kinh doanh đã hoàn thiện từ Việt Nam mang sang Indonesia, MWG sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ từ bán hàng đến lắp đặt, bảo trì…. Với sự khác biệt vậy, ông Hiểu Em nhấn mạnh cửa hàng đầu tiên của Era Blue được người tiêu dùng Indonesia đón nhận rất mạnh.

Còn về dịch vụ, việc giao hàng và lắp đặt tại Indonesia chưa thực sự tốt, chưa hiệu quả. Nhà bán lẻ chỉ đóng vai trò trưng bày, tư vấn. Khi có đơn hàng, họ sẽ chuyển về các đối tác là những người cung cấp, lắp đặt, dẫn đến ùn ứ và chậm trễ. Do đó, khi sang Indonesia, MWG cho biết đã mang cả dịch vụ từng thành công ở Việt Nam sang, tăng tốc độ lắp đặt, giao hàng. Đó chính là lợi thế và cũng là khác biệt của MWG tại Indonesia, khác biệt hẳn so với thị trường.

Trong khi đối thủ cạnh tranh ở Indonesia hiện lại không có nhiều. Theo ông Hiểu Em, hai nhà bán lẻ lớn nhất tại Indonesia cộng lại chỉ hơn 100 cửa hàng, phần lớn nằm trong các trung tâm thương mại. Còn MWG mở cửa hàng EraBlue trên các tuyến đường, vì văn hoá cũng khá tương đồng với Việt Nam.

Bước tiếp theo, MWG cho biết sẽ hoàn thiện mô hình này, lộ trình 5 năm sẽ mở 500 cửa hàng, thậm chí lên kế hoạch IPO cho Era Blue tại Indonesia.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên