Thế Giới Di Động sắp có đợt mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử, một lượng lớn nhân tài vừa nghỉ việc?
Sau khi mua lại 366 nghìn cổ phiếu quỹ trong tháng 5/2023, Thế Giới Di Động vừa thông báo sẽ mua lại tiếp hơn 450 nghìn cổ phiếu quỹ trong tháng 6 và tháng 7. Tổng số cổ phiếu quỹ mua lại chỉ trong nửa năm nay đã vượt xa so với số liệu của các năm trước.
- 10-06-2023Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy biểu diễn vài phút bằng truyền thông làm cả năm và cách Thế giới di động đang "tung hứng" khi bán hàng giá rẻ
- 02-06-2023Cổ phiếu VCS hồi phục mạnh, doanh nhân “Năng Do Thái” thay thế Chủ tịch Thế giới Di động trong Top10 người giàu nhất sàn chứng khoán
- 01-06-2023Thế giới Di động "tiếp đòn" cho đại chiến hạ giá: Giảm đến hàng điện máy cao cấp, "bao chấp" ở đâu rẻ hơn sẽ hoàn tiền
Ngày 12/6 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động vừa có thông báo về việc mua lại cổ phiếu quỹ.
Mỗi năm, công ty thường có 3-4 đợt mua lại cổ phiếu quỹ. Đây là những cổ phiếu mà Thế Giới Di Động phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tuy nhiên, nay người lao động nghỉ việc và các nhân viên này bắt buộc phải bán lại cổ phiếu cho Thế Giới Di Động theo quy chế phát hành ESOP.
Thế nhưng, điểm đáng chú ý lần này là số lượng cổ phiếu quỹ mua lại lên tới 450.547, con số kỷ lục, cao gấp khoảng 3 lần các dịp mua lại cổ phiếu quỹ thông thường trước kia.
Hơn nữa, Thế Giới Di Động vừa có một đợt mua lại cổ phiếu quỹ ngay trong tháng 5, quy mô lên tới 366.122 cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2023, tổng số cổ phiếu quỹ mua lại đã lên tới 816.669, vượt xa tổng số cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước.
Đáng chú ý, ESOP vốn là một chiến lược quan trọng của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động trong việc giữ chân nhân tài. Bất chấp việc cổ đông nhiều lần nêu ý kiến tỷ lệ phát hành ESOP quá lớn ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, nhưng ông Tài cho rằng, ESOP có ý nghĩa sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì tập đoàn.
Ông Tài khẳng định sự ủng hộ với chính sách này bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
Đáng chú ý ông Tài còn từng tuyên bố, nếu một ngày nào đó chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ có vấn đề.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Thế Giới Di Động đã không đưa ra phương án ESOP, cũng bởi kinh doanh không thuận lợi. Ngoài ra, ông Tài cho biết đội ngũ lãnh đạo sẽ làm việc năm nay mà không nhận lương bổng với quyết tâm đưa tập đoàn vượt qua khó khăn.
Trước đó, trong năm 2022, Thế Giới Di Động phát hành 19,22 triệu cổ phiếu ESOP cho 567 nhân viên với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Sau mỗi năm, 25% số cổ phiếu ESOP sẽ được tự do chuyển nhượng.
Cũng theo chính sách ESOP, nếu nhân viên kết thúc hợp đồng lao động, vì bất kỳ lý do gì, công ty sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu vẫn còn bị hạn chế chuyển nhượng của nhân viên đó với mức giá bằng với giá mua của nhân viên, tức là cũng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thế Giới Di Động dồn dập mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty đang gặp nhiều khó khăn.
Trong quý 1/2023, tổng doanh thu của công ty giảm 26% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận giảm gần 99%, xuống chỉ còn vỏn vẹn 21,3 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hầu hết các sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25 đến 35% so với cùng kỳ, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%. Các sản phẩm ICT chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online. Do đó, doanh thu online cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, nhân sự tại Thế Giới Di Động đã giảm gần 6.000 người trong quý 1/2023 và giảm hơn 6.200 người trong quý 4/2022.
Nhịp sống thị trường