MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV”

TS. Lương Hoài Nam cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45%, làm gì có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đến tỷ suất lợi nhuận như vậy? Vietnam Airlines chỉ 2-3%, Vietjet Air 7-8%.

Trả lời về vấn đề quản lý hạ tầng khu bay được đưa ra tại Phiên chuyên đề IV, Diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam lần 2 mới diễn ra, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mới đây đã xảy ra tình trạng khu bay tại Cảng hàng không Nội Bài đang xuống cấp rất trầm trọng uy hiếp đến an toàn, an ninh hàng không. Tuy nhiên, hạ tầng khu bay tại các cảng hàng không như Nội Bài, Tân Sơn Nhất không được đưa vào tài sản của doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá mà tài sản đó là do nhà nước quản lý.

"Do đó, muốn sửa chữa, nâng cấp phải sử dụng bằng nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn của ngân sách nhà nước hạn hẹp không thể bố trí được, ngược lại, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang có rất nhiều nguồn lực thì lại không được giao sửa chữa", vị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan đang trình Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho tình trạng này.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu lại phương án theo hướng tính phần tài sản kết cấu hạ tầng khu bay vào trong phần vốn nhà nước tại ACV để giải quyết triệt để những tồn tại như hiện nay.

"Nếu như Đề án về quản lý kết cấu hạ tầng được thông qua, nó sẽ giải quyết được toàn bộ phần nguồn lực để nâng cấp và đầu tư mở rộng sân bay", Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị cho biết.

“Thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV” - Ảnh 1.

Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại hội thảo chuyên đề

Nảy sinh doanh nghiệp kỳ lạ - ACV?

Về vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam - Chuyên gia giao thông cho rằng, trên thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV.

Lý giải về nhận định này, ông Nam cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay trên thế giới họ làm cả đường băng, khu bay. Thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, Việt Nam lại có một doanh nghiệp đầu tư phát triển sân bay mà lại không làm khu bay.

"ACV luôn nói rằng, tư nhân chỉ muốn nhảy vào các khu vực sinh lời cao như nhà ga, sân bay chứ không có ông tư nhân nào muốn nhảy vào hạ tầng khu bay cả. Tôi cho rằng, bản thân ACV cũng không làm hạ tầng khu bay. Hạ tầng khu bay bây giờ Nhà nước là chủ sở hữu, Nhà nước đầu tư và nhà nước quản lý. ACV trong cấu trúc hiện nay cũng không khác gì các doanh nghiệp tư nhân khác cả, cũng đầu tư khai thác từ khu bay trở ra và cũng là các khu sinh lời với tỷ suất lợi nhuận cao", ông Nam nói.

Về đề này, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hạ tầng khu bay là do Nhà nước đầu tư và giao cho ACV khai thác. Hiện tại, Chính phủ giao cho ACV khai thác vô thời hạn, doanh nghiệp này cũng không phải thuê mà được quyền khai thác.

Vị này cho biết, trước kia khu bay là do ACV quản lý nhưng khi cổ phần hoá do vấn đề quốc phòng, an ninh nên tách khu bay ra do nhà nước quản lý. Hiện tại, chỉ có Vân Đồn là dự án đầu tiên mà tư nhân đầu tư làm cả hạ tầng khu bay.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, khả năng kêu gọi đầu tư hạ tầng khu bay trong thời gian qua còn hạn chế nên ngân sách Nhà nước đầu tư còn trên mặt bằng chung đó thì một số nhà ga sẽ được xã hội hoá.

Khai thác mà không cần đầu tư, siêu lợi nhuận

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, cần có sự ràng buộc trách nhiệm khu bay với 21 sân bay mà ACV đang khai thác."ACV luôn chia sẻ về việc có sân bay lãi bù cho sân bay lỗ, nhưng không thể phủ nhận đây là một doanh nghiệp siêu lợi nhuận", ông Nam nói đồng thời dẫn số liệu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45% trong khi một số hãng hàng không như Vietnam Airlines tỷ suất lợi nhuận được 2-3%, Vietjet Air tỷ suất lợi nhuận 7-8%.

"Họ đang khai thác hạ tầng mà nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Tôi nghĩ rằng cấu trúc về đầu tư, quản lý và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể. Chúng ta cần bàn với nhau tạo ra hành lang pháp lý để tư nhân được vào một cách bình đằng, còn nếu như một dự án đầu tư mà có cả hạ tầng khu bay, nhà ga thì tôi tin rằng, tư nhân còn có đủ điều kiện và đủ sự quan tâm để thực hiện", TS. Nam nói.

Theo TS. Nam, hợp tác công – tư (PPP) là cơ hội để Nhà nước và tư nhân chia sẻ cơ hội đầu tư, chia sẻ rủi ro và quan trọng là hợp tác với nhau để tạo dựng niềm tin của nhân dân vào các dự án giao thông lớn.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên