MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới nhìn đâu cũng thấy "bong bóng", nhà đầu tư sợ nhất điều gì?

10-09-2017 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Từ Alan Greenspan và những quan chức đương nhiệm của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đến các quỹ đầu cơ dồi dào tiền mặt, tất cả mọi người đang cảm thấy bất an với giá của mọi loại tài sản.

Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, giá các trái phiếu rác của châu Âu tăng vọt, đẩy lợi suất của chúng xuống ngang bằng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (vốn luôn được coi là tài sản an toàn). Tajikistan đang bán trái phiếu Eurobonds trong khi lợi suất của các trái phiếu rác ở thị trường mới nổi giảm xuống dưới 6%. 1 quỹ ETF đặt cược vào kịch bản mức độ biến động trên thị trường giảm xuống thấp đã tăng gấp đôi quy mô kể từ đầu năm đến nay. Và, nói đến bong bóng thì không thể không nhắc đến bitcoin.

Các chuyên gia phân tích của Bank of America Merrill Lynch cảnh báo rằng giá các loại tài sản trên thị trường tài chính quốc tế đang “sôi sùng sục”, mạnh hơn cả quá khứ. Theo họ, trách nhiệm thuộc các NHTW đã bơm gần 14.000 tỷ USD vào thị trường (thông qua các gói kích thích), đẩy nhà đầu tư vượt qua giới hạn rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận.

Hồi tháng 8, các quan chức Fed cũng đưa ra nhận định tốc độ tăng giá tài sản đã biến đổi từ mức “đáng chú ý sang quá phấn chấn”.

Trong buổi họp báo thứ 5 vừa qua (7/9), Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi đã cố gắng xoa dịu khi nói với các phóng viên rằng “không có rủi ro hệ thống” từ các bong bóng. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn thường trực và dưới đây phóng viên Bloomberg đã đi hỏi các chuyên gia quản lý quỹ bong bóng nào khiến họ lo sợ nhất.

Không có nơi nào để trú ẩn

Lãnh đạo của Schroder Investment Management, Remi Olu-Pitan đồng ý với bình luận được ông Greenspan đưa ra tháng trước rằng đang có 1 quả bong bóng lớn lên giữa thị trường các loại tài sản mang về thu nhập cố định. Theo ông, điều quy hiểm nhất là các khoản nợ được xếp hạng cao vì đó chính là nơi mà các quỹ tìm đến với mong muốn thu được lợi suất cao khi họ không thể đạt được điều đó với trái phiếu do Chính phủ các nước phát hành.

“Trung bình các quỹ hưu trí Mỹ vẫn đang cố tìm kiếm mức lợi suất 7,5%. Dồn tất cả vào cổ phiếu thì khó có được mức đó, bởi vậy họ dồn tiền vào những trái phiếu lợi suất cao. Nếu thị trường trái phiếu lợi suất cao rung lắc, hiệu ứng sẽ lan tỏa và chẳng có nơi nào để trú ẩn”, Olu-Pitan nói.

Mối nguy từ trái phiếu rác

Đối với Ben Kumar – chuyên gia tại Seven Investment (London), việc các trái phiếu rác không còn phản ánh đúng mức độ sinh lời tỷ lệ thuận với rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải khi sở hữu chúng chính là 1 dấu hiệu rõ ràng cho thấy đang có bong bóng. Ông muốn nói đến những công ty châu Âu đang có trái phiếu giao dịch với lợi suất thấp kỷ lục.


Lợi suất trái phiếu rác của châu Âu xuống ngang bằng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Lợi suất trái phiếu rác của châu Âu xuống ngang bằng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Kumar cũng không phải là người duy nhất lo ngại trước hiện tượng này. Các lãnh đạo của ngành quản lý quỹ (với tổng tài sản các quỹ đạt khoảng 1.100 tỷ USD) mới đây nói rằng họ đang rút bớt khỏi những tài sản rủi ro. Các trái phiếu có lợi suất cao thường biến động mạnh hơn các tài sản khác khi thị trường bị sốc bởi vì nhà đầu tư sẽ cắt giảm những vị thế rủi ro nhất trước tiên.

Theo Kumar, khi bong bóng trái phiếu rác ở châu Âu vỡ tung, nhiều người sẽ hoảng sợ, dẫn đến thanh khoản cũng như tính minh bạch sụt giảm và cuối cùng tạo thành 1 vòng luẩn quẩn khi nhà đầu tư hoảng sợ hơn nữa.

Không ngại rủi ro

Christian Hille, chuyên gia tại Deutsche Asset Management, không nghĩ rằng đang có bong bóng trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, nếu như mức độ ưa rủi ro của nhà đầu tư tiếp tục tăng lên với tốc độ như hiện nay, 1 quả bong bóng có thể dễ dàng hình thành trên thị trường cho vay đòn bẩy.

“Chúng ta đang ở một trong những thời kỳ tăng trưởng dài nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Xét đến cả tốc độ tăng giá tài sản thì đó có thể là 1 rủi ro”.

Made in China

John Roe của Legal & General Investment Management cho rằng kinh tế Trung Quốc là rủi ro lớn nhất. Vấn đề nằm ở núi nợ của nước này và những biện pháp kiểm soát vốn của Chính phủ Trung Quốc. Dù kể từ đầu năm đến nay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ổn định hơn, tháng trước, Kevin Smith (nhà sáng lập của Crescat Capital) vẫn đưa ra 1 dự báo bi quan rằng đồng nhân dân tệ có thể giảm giá 70% trong 12 tháng tới nếu bong bóng tín dụng đổ vỡ ở Trung Quốc.

Và cuối cùng là bitcoin

Đà tăng gấp 4 lần của đồng tiền số bitcoin đã khiến nhiều người phải “nhướn mày”. Theo Roe, mối đe dọa lớn nhất đối với bitcoin là luật lệ quản lý thị trường tiền số được siết chặt bởi rõ ràng đồng tiền này bị lạm dụng trong các giao dịch bất hợp pháp.


Giá bitcoin tăng chóng mặt.

Giá bitcoin tăng chóng mặt.

Ngay đầu tuần này, động thái ban hành lệnh cấm hoạt động ICO (vốn đang là 1 kênh huy động vốn được nhiều startup ưa chuộng) của Chính phủ Trung Quốc đã khiến giá bitcoin lao dốc. Mark Mobius, Chủ tịch quỹ Templeton Emerging Markets, mới đây nhận định các đồng tiền số đang “vượt ra ngoài quyền kiểm soát và sẽ sớm bị các Chính phủ trên toàn thế giới siết chặt quản lý”.

Dẫu vậy vẫn có những nhà đầu tư suy nghĩ khác. Andrew Cole, chuyên gia tại Pictet Asset Management, cho rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đủ khỏe mạnh để hậu thuẫn đà tăng của thị trường chứng khoán, đồng thời xét rộng ra thì đa phần nhà đầu tư vẫn e ngại rủi ro. “Có lẽ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn được lưu lại trong tâm trí của nhiều người”, anh nói.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên